Dấu ấn số giữa đại ngàn
Tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập, những mã QR gắn trên cây rừng đang âm thầm mở ra cả kho tàng tri thức sống động về hệ thực vật phong phú nơi đây. Chỉ cần một thao tác quét mã bằng điện thoại, du khách có thể tiếp cận thông tin chi tiết về từng loài cây từ tên gọi, đặc điểm sinh học đến giá trị sử dụng và phân bố. Đây không chỉ là cách kết nối con người với thiên nhiên qua công nghệ mà còn là minh chứng rõ nét cho bước tiến chuyển đổi số trong công tác bảo tồn, giáo dục và phát triển du lịch sinh thái.
MÃ QR TRÊN CÂY RỪNG
Ông Đỗ Trường Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyên truyền, du lịch và cứu hộ bảo tồn, Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Tính đến nay, toàn bộ hệ thống cây di sản tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập đều đã được gắn mã QR. Đây không chỉ là một cải tiến kỹ thuật đơn thuần, mà còn là bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi số gắn với phát triển du lịch sinh thái. Thông qua quét mã QR, du khách có thể tiếp cận kho tri thức phong phú về từng loài cây từ tên khoa học, đặc điểm sinh học, vùng phân bố đến các giá trị dược liệu, văn hóa gắn với cây rừng. Chúng tôi kỳ vọng việc này sẽ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin ngày càng cao và đa dạng của du khách, đặc biệt là giới trẻ và học sinh, sinh viên. Đồng thời, đây cũng là cách để thu hẹp khoảng cách giữa công nghệ và thiên nhiên, khiến rừng trở nên gần gũi hơn với công chúng. Mã QR sẽ là công cụ mở cửa tri thức, giúp chúng ta không chỉ nhìn thấy rừng mà còn hiểu và yêu rừng hơn”.

Tại vườn quốc gia Bù Gia Mập, những mã QR gắn trên thân cây mở ra cả kho tàng tri thức sống động về hệ thực vật phong phú nơi đây

Chỉ cần quét mã QR trên cây bằng điện thoại thông minh, du khách có thể tiếp cận thông tin chi tiết từng loài cây từ tên gọi, đặc điểm sinh học đến giá trị sử dụng và khu vực phân bố
Việc gắn mã QR lên cây rừng còn là một phần trong bức tranh tổng thể về chiến lược bảo tồn hiện đại tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ông Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết: “Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào từng lĩnh vực đời sống, chúng tôi xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học là xu hướng tất yếu. Việc triển khai gắn mã QR lên các loài cây không chỉ giúp du khách tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng thông tin về cây rừng mà còn góp phần lan tỏa tinh thần gìn giữ tài nguyên thiên nhiên. Thay vì những bảng tên gỗ đơn điệu, giờ đây du khách có thể nhận diện cây, hiểu công dụng, biết rõ tình trạng phân bố chỉ bằng chiếc điện thoại thông minh”.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu, mở rộng mã QR cho nhiều loài cây khác và tích hợp thêm các nội dung số như âm thanh, video hướng dẫn. Mục tiêu là biến khu rừng trở thành một bảo tàng sống động nơi ai cũng có thể học, hiểu và chia sẻ kiến thức sinh thái một cách chủ động.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập HOÀNG ANH TUÂN
Trong năm 2025, vườn sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động số hóa dữ liệu sinh học, cải tạo hệ thống bảng chỉ dẫn, phát hành sổ tay nhận diện loài cây, loài thuốc quý tại rừng và phát triển hệ thống thông tin tương tác tại các tuyến du lịch sinh thái. Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới xây dựng mô hình diễn giải môi trường hiện đại, thu hút du khách thông qua trải nghiệm thực tế kết hợp công nghệ.
MỖI NGƯỜI DÂN LÀ MỘT HƯỚNG DẪN VIÊN
“Chỉ cần quét mã QR, em đã có thể đọc được đầy đủ thông tin từ tên gọi, công dụng cho đến nơi cây thường mọc. Điều này không chỉ giúp em tự học mà còn có thể chia sẻ lại với người thân, bạn bè, thậm chí là du khách nếu có dịp đi cùng” - em Trần Huyền Trang ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chia sẻ. Từ một thao tác nhỏ, kiến thức về thiên nhiên trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Với những người trẻ như Trang, rừng không còn là vùng đất xa lạ mà trở thành nơi để khám phá, học tập và truyền cảm hứng. Với mã QR trên thân cây, bất kỳ ai cũng có thể trở thành hướng dẫn viên cho rừng.
Việc ứng dụng công nghệ QR vào giáo dục cộng đồng cũng là cách để “cởi trói” thông tin về rừng khỏi giới hạn của sách vở. Người dân không cần học thuộc lòng tên gọi khoa học, mà vẫn có thể truyền tải câu chuyện về rừng qua quét mã QR. Từ đó, tri thức không còn là độc quyền của nhà nghiên cứu hay hướng dẫn viên, mà trở thành của chung khi ai cũng có thể tiếp cận, chia sẻ và lan tỏa.
Bà Huỳnh Thu Thủy, du khách đến từ xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Là người thường xuyên đi du lịch trải nghiệm, tôi thật sự bất ngờ và thích thú khi thấy những mã QR được gắn trên các cây rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Đây là cách làm rất hiện đại, không chỉ giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin mà còn tạo cảm giác chủ động, hứng thú trong quá trình khám phá. Tôi nghĩ đây là một điểm sáng rất đáng ghi nhận trong cách làm du lịch sinh thái hiện nay, đặc biệt hữu ích đối với học sinh, sinh viên và các bạn trẻ. Việc tích hợp công nghệ vào giáo dục tự nhiên như vậy giúp thế hệ trẻ tiếp cận kiến thức một cách trực quan và dễ ghi nhớ hơn. Rừng không còn là khái niệm trừu tượng mà trở thành lớp học mở, mỗi thân cây là một bài học sống động, mỗi chuyến đi là một cơ hội học hỏi”.
Điều đáng quý là chính người trẻ đang trở thành lực lượng tiên phong. Đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên trong các chuyến tham quan học tập không chỉ ghi nhớ thông tin mà còn chụp ảnh, quay clip chia sẻ lên mạng xã hội. Mỗi bài đăng là một cách giới thiệu rừng đến với cộng đồng lớn hơn, đó cũng là cách làm hướng dẫn viên bằng công nghệ và bằng chính sự hứng khởi. Theo định hướng trong năm 2025, Vườn quốc gia Bù Gia Mập sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ cộng tác viên du lịch, tăng cường đào tạo kỹ năng, bổ sung kiến thức sinh thái, đồng thời đẩy mạnh truyền thông đa nền tảng. Mục tiêu không chỉ là đưa thông tin đến người dân mà còn tạo điều kiện để mỗi người dân trở thành hướng dẫn viên của rừng và là một phần trong tiến trình bảo tồn.
Trong hành trình giữ rừng, nếu mỗi người dân là một hạt giống tri thức thì mã QR chính là công cụ để hạt giống ấy nảy mầm. Và khi tri thức trở thành sức mạnh chung, rừng sẽ không còn cô đơn trong hành trình giữ đất, giữ nước, giữ màu xanh cho cả một vùng biên cương Tổ quốc. Mỗi mã QR gắn trên thân cây không đơn thuần là dấu mốc chuyển mình của Vườn quốc gia Bù Gia Mập mà còn là nhịp cầu đưa tri thức đến gần hơn với cộng đồng. Từ những bước chân khám phá của du khách đến ánh mắt háo hức của người trẻ, rừng không chỉ được nhìn mà còn được hiểu, được kết nối và được gìn giữ một cách hiện đại hơn bao giờ hết.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/172719/dau-an-so-giua-dai-ngan