'Dấu ấn thành Nam' - triển lãm về đô thị cổ gần 800 năm thuộc đất cố hương nhà Trần
Ngày 28/1, tại không gian văn hóa Bảo tàng tỉnh Nam Định đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm 'Dấu ấn thành Nam' và Chợ tết 'Một thoáng thành Nam'. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (03/2/1930 - 03/2/2023) và mừng xuân Quý Mão 2023.
Triển lãm do Bảo tàng tỉnh Nam Định và Trung tâm lưu trữ quốc gia I thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp tổ chức, nhằm giới thiệu đến công chúng quá trình hình thành, phát triển, cùng danh xưng Nam Định và những giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất Thành Nam xưa.
Đến dự và cắt băng khai mạc có ông Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; bà Phạm Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định; ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nam Định; ông Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I; ông Nguyễn Tiến Dũng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL, Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm và chợ Tết.
Cắt băng khai mạc triển lãm "Dấu ấn thành Nam".
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Nguyễn Duy Thăng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: "Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa, kết nối giữa Di sản tư liệu và Di sản văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan, thưởng thức, tìm hiểu thông tin của người dân địa phương và du khách trong dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc".
Thành Nam là tên gọi thân thương về một đô thị cổ thuộc đất cố hương nhà Trần ở vùng hạ lưu sông Hồng, có lịch sử hình thành và phát triển gần 800 năm. Khởi đầu là Hành đô Tức Mặc rồi Hành cung Thiên Trường, một trung tâm quyền lực, có vị thế như kinh đô thứ 2 sau Thăng Long của quốc gia Đại Việt ở thời Trần, thế kỷ XIII - XIV. Đây cũng là thời kỳ khởi đầu quá trình đô thị hóa cho sự ra đời của đô thị Vị Hoàng ở thế kỷ XVII - XVIII, trở thành trấn lị của trấn Sơn Nam Hạ (triều Tây Sơn), trấn lị Nam Định (năm 1822), tỉnh lị Nam Định (năm 1832) và trở thành một trong ba thành phố lớn ở Bắc Kỳ thời cận hiện đại.
Các quan khách tham quan triển lãm "Dấu ấn thành Nam".
Những giá trị lịch sử, văn hóa được hình thành trong quá trình phát triển Thành phố cũng như tỉnh Nam Định phần lớn được kết tinh trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đó là tảng nền, là nguồn lực để hôm nay Thành phố đang từng bước xây dựng, phát triển hướng tới một đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững, khẳng định vị thế Trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa... của khu vực Nam đồng bằng Sông Hồng.
Triển lãm được bố cục thành hai phần:
1. Thành Nam trong dòng chảy lịch sử
- Hành cung Thiên Trường (thế kỷ XIII - XIV)
- Đô thị Vị Hoàng (thế kỷ XV - XVIII)
- Thành Nam dưới triều Nguyễn và Pháp thuộc (thế kỷ XIX - XX)
2. Hướng đến đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững
- Thành Nam - Dấu ấn một chặng đường
- Định hướng phát triển thành phố Nam Định
Biểu diễn văn nghệ chào mừng triển lãm "Dấu ấn thành Nam".