Trịnh Công Sơn (1939-2001) là người đã mang hồn cốt Huế đi khắp cả nước và ra cả quốc tế. Khối di sản về âm nhạc và văn hóa ông để lại là thứ người ta luôn nói về những ngày ông còn ở trần gian và cả những ngày ông đã hóa thành mây trời. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Cố nhạc sỹ sinh ra tại Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk nhưng quê gốc ở làng Minh Hương (xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế Online)
Khi còn nhỏ, ông cùng cha mẹ từ Tây Nguyên về lại Huế, sống ở nhà gia tộc trên đường Phan Bội Châu (tên đường ngày nay, thuộc phường Vĩnh Ninh và Trường An, khu Bến Ngự). Con phố nhỏ nhưng có nhiều chùa. Nhiều nhà nghiên cứu sau này cho rằng tư tưởng Phật giáo đã tác động lên Trịnh Công Sơn từ thời thơ ấu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
"Trong tất cả dòng chảy của âm nhạc Trịnh Công Sơn, sự tĩnh lặng thoát ra từ âm thanh 'chuông mõ' luôn luôn làm nền tảng cho sự cảm nhận nét nhạc của mỗi bài ca, dù cho bài ấy có dồn dập đến đâu," nhà nghiên cứu Thái Kim Lan từng viết. Trong ảnh là Chùa Phổ Quang nơi gia đình Trịnh Công Sơn quy y. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Để tiện việc kinh doanh, gia đình ông lại chuyển tới phố Phan Bội Châu (tên cũ) tại khu Ngã giữa, gần sông An Cựu. Tại đây cha mẹ ông bán phụ tùng xe đạp, lấy tên cửa hiệu là Thanh Tâm. Trong hình là ngôi nhà ngày nay. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Địa chỉ này về sau được đổi thành số 111, phố Phan Đăng Lưu, chuyên đồ điện gia dụng, dịch vụ điện máy, điện lạnh. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Năm 1958, do nhiều nguyên nhân, trong đó bao gồm việc ông Trịnh Xuân Thanh (cha của Trịnh Công Sơn) mất và cuộc sống trở nên khó khăn, nên mẹ con ông lại dọn đi. Gia đình tiếp theo chuyển tới, sống tại đây từ đó đến nay đã 5 thế hệ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Rời ngã giữa, gia đình Trịnh Công Sơn chuyển đến 11/3 Nguyễn Trường Tộ trên tầng 2 một khu tập thể. Địa chỉ này ngày nay được biết tới nhiều hơn cả với cái tên “Gác Trịnh.” Con phố đẹp và xanh tươi, rợp bóng mát những hàng cây long não hai bên đường. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tại đây Trịnh Công Sơn viết ca khúc đầu tiên - “Ướt mi.” Qua tiếng hát Thanh Thúy, nhạc Trịnh lần đầu đến với khán giả. Trong hình là lối lên căn gác nay được dùng làm quán cafe kiêm không gian Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Ngay ngã tư cách căn gác vài chục mét là cầu Phủ Cam, nơi có nàng thơ Ngô Vũ Bích Diễm ngày ngày đi học qua khiến ông xao xuyến, viết nên ca khúc “Diễm xưa.” (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Về sau khi bà rời Huế đi học xa, mối tình với Trịnh Công Sơn cũng tàn. Sau Bích Diễm, ông yêu Ngô Vũ Dao Ánh (em gái bà Diễm), viết “Nắng thủy tinh” và hàng trăm bức “thư tình gửi một người.” Trong hình là góc sân Dao Ánh-Trịnh Công Sơn, từng được dùng làm phim trường "Em và Trịnh" (2022). (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau năm 1968, ông cùng gia đình dọn vào Sài Gòn. Căn gác phố Nguyễn Trường Tộ được để lại cho vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, người bạn của gia đình, từng thường xuyên qua lại để dạy học cho các em của Trịnh Công Sơn. Về sau ông bà cũng dọn đi. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Không muốn căn gác rơi vào quên lãng, năm 2013, nhà thơ Lê Huyền Lâm thuê lại từ vợ chồng Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi đặt tên nơi đây là “Gác Trịnh.” Ngày nay dân địa phương, khách du lịch biết đến nhạc sỹ họ Trịnh đều ghé nơi đây để thăm thú những kỷ vật và kỷ niệm mà cố nhạc sỹ để lại. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Người Huế phần đông theo đạo Phật, thường chọn quy y ở một chùa gần nhà. Gia đình Trịnh Công Sơn gồm cha mẹ và 8 người con (Trịnh Công Sơn là con cả) đều quy y tại chùa Phổ Quang, nay thuộc ngõ (kiệt) 65 phố Phan Bội Châu, con ngõ nằm cạnh đường tàu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Năm 2001, Trịnh Công Sơn qua đời. Di ảnh của ông được gửi vào chùa Phổ Quang, đặt trên ban thờ trong nhà hậu tổ cùng di ảnh cha mẹ. Ông được đặt 2 ảnh chân dung, bức ở trên do một hội nghệ sỹ mang đến, bức ở dưới do bà Trịnh Vĩnh Tâm (em gái) mang đến. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trịnh Công Sơn ra đi nhưng di sản ông để lại còn sâu sắc mãi, đặc biệt tại Huế. Năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất cố nhạc sỹ, công viên rộng 6ha và con đường dài cỡ 1km chạy dọc sông Hương ở phường Gia Hội đã được đặt theo tên ông. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tuy nhiên, do chưa hoàn thành cải tạo nên phía nhìn ra sông của đường Trịnh Công Sơn hiện đang bị rào tôn. Bên đường còn lại là các hàng quán và nhiều đất trống. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Đầu đường về phía chân cầu Gia Hội, Công viên Trịnh Công Sơn, có đặt một tượng đồng cao 1,7m, rộng 1,6m và dài 2,3m, hướng ra sông. Bức tượng đồng do cố điêu khắc gia Trương Đình Quế thực hiện, được khai trương tháng 2/2024. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trên tượng khắc họa 2 trang viết, ghi “Cát bụi” và “Một cõi đi về.” Hai ca khúc đều nói về sự đi và ở trên cõi tạm, một sự trăn trở thường trực trong Trịnh Công Sơn. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tháng 4/2024, tên ông được đặt cho một ngôi trường dành cho đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông. Số tiền đầu tư là 2,3 tỉ đồng, trong đó gồm Quỹ Trịnh Công Sơn tài trợ 1,3 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của huyện. (Ảnh: Báo Thừa Thiên Huế Online)
(Vietnam+)