Dấu ấn về lớp học báo chí đầu tiên
Tháng 4/1949, khi cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc đang diễn ra ác liệt, trong điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề, Đảng và Chính phủ đã quyết tâm mở lớp dạy viết báo Huỳnh Thúc Kháng để đào tạo, gây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam.
Lớp học báo chí đầu tiên được tổ chức ở khu rừng Bờ Rạ thuộc xã Tân Thái (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
Điển hình của cách dạy và học nghiêm túc
75 năm về trước, tại xóm Bờ Rạ (xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), một ngôi trường tranh tre nứa lá mang tên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã ra đời.
Trường do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt tên và chỉ thị cho Tổng bộ Việt Minh tổ chức thực hiện. Ban Giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người. Trong đó, Giám đốc là nhà báo Đỗ Đức Dục, Phó Giám đốc là nhà báo Xuân Thủy, ủy viên là các nhà báo: Như Phong, Đồ Phồn, Tú Mỡ.
Do hoàn cảnh kháng chiến, trường chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn (khai giảng 4/4/1949 và bế giảng ngày 6/7/1949 – theo tư liệu của Bảo tàng Báo chí Việt Nam).
Học viên gồm 42 người, 29 giảng viên tham gia giảng dạy đều là những đồng chí lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị và phong phú lý luận, thực tiễn, là những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…
Theo các nhà nghiên cứu, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. Tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay đang trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng và lớp dạy viết báo đầu tiên.
Theo Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng Báo chí Việt Nam) Nguyễn Văn Ba, thời điểm khai giảng lớp học chưa có đầy đủ 42 học viên vì có người đến trước, có người đến sau.
Lớp dạy làm báo đầu tiên vinh dự được nhiều nhà hoạt động chính trị cũng như nhà báo, văn nghệ sĩ đến dạy. Trong đó, đồng chí Trường Chinh dạy viết xã luận, bình luận. Nhà báo Võ Nguyên Giáp dạy viết bài phản ánh về quân sự. Đồng chí Hoàng Quốc Việt dạy về chính trị. Một số nhà văn như: Nguyễn Huy Tưởng dạy kịch; Nguyễn Tuân, Nam Cao dạy viết văn; Nguyễn Đình Thi dạy thơ…
Ngọn lửa nghề từ chiến khu Việt Bắc
“Tại lớp học đầu tiên ở nước ta được mở giữa thời kháng chiến, một trung đội chiến sĩ trên mặt trận báo chí đã xuất phát với nhiệm vụ đánh giặc, dựng nước trên chiến trường bút mực” - trích đoạn trong bài viết của cố nhà báo Xuân Thủy - Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam tại số báo Cứu Quốc đặc biệt tổng kết lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng, in tại chiến khu Việt Bắc vào tháng 9/1949.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Ba, trong quá trình đi sưu tập tư liệu, gặp gỡ các học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, ông đã được nghe nhiều câu chuyện về hoạt động giảng dạy của nhà trường.
Đơn cử, theo lời kể của nhà báo Trần Kiên, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được lập ra bí mật. Trường tách biệt khu dân cư, người dân ở quanh khu vực không biết có một ngôi trường dạy làm báo ở Tân Thái (Đại Từ). Tất cả sinh hoạt của học viên gói gọn trong phạm vi của trường, mọi người đều không giao tiếp với bên ngoài.
Lớp học có cách dạy rất hay, các thầy dạy lý thuyết xong là cho học viên thực hành ngay. Ông Đồ Phồn dạy về phóng sự xong dẫn học viên đến đồi chè để các học viên tác nghiệp và nộp bài vào ngày hôm sau, nhà báo Xuân Thủy cũng vậy, ông hướng dẫn học viên tận tình.
“Trong thời gian học, nhà báo Mai Cương đề xuất nhà báo Xuân Thủy: “Xin đồng chí cho tôi viết xã luận”. Nhà báo Xuân Thủy chỉ cười và nói: “Chị có biết viết xã luận khó thế nào không?”. Sau đó giảng giải viết xã luận thế nào, tầm quan trọng của bài xã luận ra sao. Bà Mai Cương giật mình vì chưa nghĩ bài xã luận khó như thế vì học viên mới tiếp xúc trong thời gian ngắn, chưa hiểu tính chất của báo chí” – anh Nguyễn Văn Ba kể.
Vì yếu tố bí mật, vệc học tập và sinh hoạt cũng diễn ra ngay tại trường. Ngôi trường có 2 khu để học viên nam và học viên nữ ở. Tuy nhiên, khu ở của nữ chỉ có 3 người là bà Phương Lâm, Lý Thị Trung, Phạm Thị Mai Cương; khu vực cho học viên nam đông hơn, vui hơn. Học viên nam cùng nhau đàn hát, những học viên khéo tay như ông Vương Như Chiêm còn làm cả phù điêu để trang trí. Ngoài học tập chính vẫn có sinh hoạt ngoài giờ. Họ vẫn học quân sự, vẫn chơi bóng với nhau.
Sau lớp học, nhiều người được nhận về công tác tại các cơ quan báo chí, có học viên sau này làm Tổng Biên tập; có người không làm báo chuyển sang ngành khác như nhà báo Mai Cương sau làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. Xuất phát điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã đào tạo được một lớp nhà báo đầu tiên rất chất lượng trong bối cảnh kháng chiến gian khó.
Khai giảng lớp viết báo, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Tổng bộ Việt Minh nói rõ: “Lớp mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng là để nhớ ơn và noi gương cụ lão thành ái quốc và đồng thời cũng là một nhà viết báo lâu năm, có danh tiếng, nêu một tấm gương cho các học viên một đức tính học hỏi cần mẫn, một óc tổ chức tiến bộ, một chí khảng khái, bất khuất, là những đức tính căn bản cho một ký giả” - (Xã luận Báo Cứu Quốc số đặc biệt ra ngày 12/9/1949 tại Việt Bắc).
Tại Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được tổ chức ngày 4/4/2019, đồng chí Thuận Hữu, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, khẳng định: “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; họ đã góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 70 năm qua”.
“Các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Thép Mới, Chính Yên, Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc); đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương), nhà thơ Hải Như…
Các nhà báo từng học tại mái trường tranh tre nứa lá Huỳnh Thúc Kháng đã tận tụy cống hiến và góp phần xây dựng sự nghiệp báo chí cách mạng to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gây dựng. Tuy chỉ mở và đào tạo được một khóa trong thời gian ngắn nhưng nhờ sự dạy dỗ, truyền đạt kinh nghiệm tận tình của những người thầy, những nhà báo cách mạng hàng đầu đã đánh dấu thắng lợi bước đầu trên mặt trận tư tưởng, đào tạo báo chí, đặt nền móng cho sự phát triển của nền báo chí Việt Nam sau này.
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng thành lập năm 1949 tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ. Năm 2019, Bộ VHTT&DL đã cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia và cho phép dựng bia di tích. Trên cơ sở những giá trị và ý nghĩa lịch sử của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, việc tu bổ, tôn tạo di tích này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ghi dấu một phần lịch sử thiêng liêng của nghề báo, là “địa chỉ đỏ” của báo chí cách mạng Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dau-an-ve-lop-hoc-bao-chi-dau-tien.html