Đấu giá đất ở Sóc Sơn: 'Hô' 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ sẽ bị xử lý thế nào?
Đấu giá đất ở Sóc Sơn (Hà Nội) lại chứng kiến nhóm người đi đấu giá 'cố tình' phá hoại khi trả 30 tỷ đồng/m2 rồi vòng sau đồng loạt không trả giá khiến phiên đấu giá không thành công. Với hành vi này thì sẽ bị xử lý bởi các quy định pháp luật nào?
Phiên đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn diễn ra vào ngày 29/11. Các thửa đất có diện tích từ 90 – 224 m². Mức giá khởi điểm thấp chỉ 2.448.000/m². Cuộc đấu giá có 285 khách hàng với khoảng 1.000 hồ sơ tham gia, được tổ chức theo hình thức đấu tối đa 6 vòng bắt buộc, mỗi bước giá là 3 triệu đồng/m2.
Việc đấu giá đất diễn ra bình thường nhưng đến vòng đấu thứ 5, hơn 40 lô đất đã được một nhóm khách hàng trả tới mức giá rất cao, trong đó có ba lô được trả tới trên 30 tỷ đồng/m².
Cụ thể, các thửa đất có số hiệu A12, A13 và C6 đều được trả: 30.002.488.000 đồng/m². Hơn 20 lô đất khác cũng bị đẩy lên mức từ hơn 98 triệu đồng/1m² đến trên 101 triệu đồng/1m². Sau đó, sang đến vòng thứ 6 - vòng đấu cuối cùng để xét giá trúng thì nhóm khách hàng này đồng loạt không trả giá, các thửa đất đấu không thành công.
Dấu hiệu có tình phá hoại cuộc đấu giá theo quy định sẽ bị xử lý thế nào?
Xem xét xử phạt hành chính
Theo đó, hành vi người tham gia đấu giá đất thông đồng, móc nối với nhau để thổi giá đất là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đấu giá đất. Tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản 2016 (sửa đổi, bổ sung 2024) nghiêm cấm người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, nâng giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.
Điều 23 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định của người tham gia đấu giá, người có tài sản đấu giá và người khác có liên quan đến hoạt động đấu giá tài sản: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hủy kết quả đấu giá tài sản, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá.
Hành vi thông đồng thổi giá đất còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định, người nào thực hiện hành vi thông đồng dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
- Có tổ chức;
- Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên.
- Gây thiệt hại cho người khác 300 triệu đồng trở lên.
- Phạm tội 2 lần trở lên.
- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
Từ 1/1/2025, trúng đấu giá đất rồi bỏ cọc sẽ bị cấm đấu giá đến 5 năm
Theo quy định hiện hành tại Điều 70 Luật đấu giá tài sản 2016 quy định về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan như sau:
Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật đấu giá tài sản 2016 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 hoặc quy định khác của Luật đấu giá tài sản 2016, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
- Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
- Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá.
- Quyết định cấm tham gia đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan; đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia.