Đấu giá lại 2 khối băng tần 700MHz cho 5G
Tối 21/7, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng hai khối băng tần thuộc dải 700MHz, gồm 703-713 và 758-768MHz (khối B1-B1') và 723-733 và 778-788MHz (khối B3-B3'). Giá khởi điểm cho 15 năm sử dụng mỗi khối là 1.995,6 tỷ đồng.
Đây là động thái tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông và phổ cập công nghệ số trên phạm vi toàn quốc. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp qua từng vòng, với bước giá 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp tham gia phải đặt cọc trước 100 tỷ đồng và có 30 ngày để nộp hồ sơ đăng ký điều kiện dự thầu.
Hai khối băng tần B1-B1’ (703-713 và 758-768MHz) và B3-B3’ (723-733 và 778-788MHz) từng được dùng cho dịch vụ truyền hình tương tự (analog) trước khi Việt Nam hoàn tất số hóa truyền hình năm 2020. Nay, chúng được quy hoạch lại cho hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT-Advanced, phục vụ các công nghệ 4G, 5G và tương lai là 6G.

Về mặt kỹ thuật, băng tần 700MHz có bán kính phủ sóng rộng hơn khoảng 1,8 lần so với băng tần 1.800MHz, giúp nhà mạng tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng và cải thiện chất lượng mạng trong nhà, đặc biệt quan trọng tại các khu vực đô thị và vùng sâu, vùng xa.
Trước đó, trong phiên đấu giá tháng 5, Viettel đã trở thành nhà mạng đầu tiên sở hữu khối băng tần 700MHz B2-B2’, nên không được tham gia đợt đấu giá lần này.
Các doanh nghiệp trúng đấu giá và có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sẽ phải cam kết triển khai ít nhất 2.000 trạm phát sóng trong vòng hai năm, trong đó tối thiểu 650 trạm phục vụ khu vực biển đảo. Ngoài ra, dịch vụ trên hai khối băng tần mới phải chính thức phát sóng trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp phép, đồng thời phủ sóng toàn bộ các tuyến cao tốc được đầu tư trước năm 2030.
Theo ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, việc đấu giá các khối băng tần 700MHz không chỉ tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (với hơn 14.000 tỷ đồng thu được trong vòng một năm qua), mà còn là bước đi chiến lược để mở rộng vùng phủ sóng di động, đặc biệt tại nông thôn, miền núi, hải đảo.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng Internet di động không ngừng tăng, với 104,7 triệu thuê bao di động băng rộng được ghi nhận đến tháng 4/2025, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái, việc phân bổ hiệu quả tài nguyên tần số đang trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chiến lược chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/dau-gia-lai-2-khoi-bang-tan-700mhz-cho-5g-320212.html