Đấu giá lại băng tần 5G, giá khởi điểm gần 2.582 tỉ đồng

Giá khởi điểm của khối băng tần C3 (3800-3900 MHz) được quy hoạch để triển khai 5G là gần 2.582 tỉ đồng. Bước giá áp dụng tại cuộc đấu giá là 25 tỉ đồng.

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông báo về phương án tổ chức đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3) cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng theo tiêu chuẩn IMT.

Cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu trực tiếp, đấu giá theo phương thức trả giá lên. Doanh nghiệp trúng đấu giá được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo công khai Phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3) phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Viễn thông) thông qua một trong các phương thức sau: qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp. Các hồ sơ nộp không đúng thời hạn trên sẽ không được tiếp nhận và giải quyết.

Theo quy định, tổ chức đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz (khối băng tần B1) hoặc băng tần 3700-3800 MHz (khối băng tần C2) không được tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 3800-3900 MHz (khối băng tần C3).

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trúng đấu giá khối băng tần B1 (2.500-2.600 MHz) với giá 7.533 tỉ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3.700-3.800 MHz) với giá 2.581 tỉ đồng.

Với khối băng tần C3, do đợt đấu giá trước chỉ có một doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không đủ số lượng tối thiểu theo quy định, nên đã bất thành.

Anh Lê

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/dau-gia-lai-bang-tan-5g-gia-khoi-diem-gan-2582-ti-dong-post175231.html