Dấu hiệu đáng chú ý ở mắt cảnh báo bệnh tiểu đường

Nhìn thấy đốm, mảng tối kèm theo đau mắt, thị lực mờ là một số dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tiểu đường.

 Nếu thường xuyên bị nhìn mờ, có đốm và đau mắt, bạn nên đi xét nghiệm tiểu đường sớm. Ảnh minh họa: Telegrafi.

Nếu thường xuyên bị nhìn mờ, có đốm và đau mắt, bạn nên đi xét nghiệm tiểu đường sớm. Ảnh minh họa: Telegrafi.

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mắt khi đường huyết tăng cao. Ở giai đoạn ngắn, người bệnh hiếm khi bị giảm thị lực ngay lập tức. Tuy nhiên, nếu thay đổi kế hoạch điều trị hoặc thuốc điều trị tiểu đường, người bệnh có thể gặp tình trạng mờ mắt tạm thời trong vài ngày hoặc vài tuần.

Triệu chứng tiểu đường ở mắt

Theo trang India, một số biểu hiện ở mắt có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2:

Xuất hiện đốm: Người bệnh có thể nhìn thấy các chấm hoặc mảng tối trước mắt.
Đau mắt: Đây là dấu hiệu cảnh báo sớm. Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng áp lực bên trong mắt, gây ra cảm giác đau nhức mắt mà không rõ nguyên nhân.
Mờ, nhức mắt: Khi nồng độ glucose tăng cao và không ổn định, áp lực thẩm thấu máu thay đổi, làm gián đoạn dòng máu nuôi dưỡng mắt và các cơ quan liên quan. Điều này khiến mắt phải điều tiết liên tục để thích nghi, dẫn đến nhức mỏi và mờ mắt.
Giảm thị lực: Ở giai đoạn nặng, tình trạng sưng tấy có thể làm tổn thương các cơ mắt, thậm chí tách võng mạc khỏi phía sau mắt, gây mất thị lực đột ngột.

Biến chứng về thị lực do tiểu đường

Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh Thận (NIDDK), Mỹ, hầu hết bệnh về mắt do tiểu đường nghiêm trọng đều bắt nguồn từ các vấn đề về mạch máu .4 bệnh về mắt đe dọa thị lực gồm:

Bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh xảy ra khi mạch máu bị tổn thương do tiểu đường, làm hỏng võng mạc. Giai đoạn đầu, các mạch máu có thể yếu đi, phồng lên hoặc rò rỉ trong võng mạc. Giai đoạn này được gọi là bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh.

Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, một số mạch máu bị tắc nghẽn, buộc cơ thể hình thành các mạch máu mới trên bề mặt võng mạc. Đây là bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh. Các mạch máu mới này có cấu trúc bất thường, dễ vỡ, có thể dẫn đến xuất huyết dịch kính, hình thành sẹo hoặc tách võng mạc, gây mất thị lực nghiêm trọng.

 Các mạch máu bị tổn thương do tiểu đường có thể gây hại cho võng mạc, gây ra bệnh võng mạc tiểu đường. Ảnh minh họa: Dramaitaancieta.

Các mạch máu bị tổn thương do tiểu đường có thể gây hại cho võng mạc, gây ra bệnh võng mạc tiểu đường. Ảnh minh họa: Dramaitaancieta.

Phù hoàng điểm do tiểu đường

Điểm vàng (hoàng điểm) là phần võng mạc giúp bạn đọc, lái xe và nhận diện khuôn mặt. Bệnh tiểu đường có thể gây phù hoàng điểm, tình trạng sưng phù tại hoàng điểm, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ các chi tiết nhỏ.

Theo thời gian, phù hoàng điểm có thể làm suy giảm thị lực sắc nét tại khu vực này, dẫn đến suy giảm thị lực hoặc mù lòa. Tình trạng này thường phát triển ở những người đã xuất hiện các dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường.

Tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp là nhóm bệnh về mắt có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác - bó dây thần kinh nối mắt với não. Bệnh tiểu đường làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp, có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa nếu không được điều trị sớm.

Đục thủy tinh thể

Thủy tinh thể là những cấu trúc trong suốt giúp mang lại tầm nhìn sắc nét nhưng chúng có xu hướng trở nên đục khi chúng ta già đi. Những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị đục thủy tinh thể hơn.

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể bị đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn những người không mắc bệnh tiểu đường. Điều này là do mức đường huyết cao khiến cặn tích tụ trong thủy tinh thể của mắt.

Mai Phương

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dau-hieu-dang-chu-y-o-mat-canh-bao-benh-tieu-duong-post1519279.html