Đầu năm, chiêm bái ngôi đền gắn với giai thoại xây Thành Nhà Hồ
Câu chuyện về nàng Bình Khương và Chàng Cống Sinh có lẽ sẽ chẳng bao giờ bị lãng quên. Chừng nào Thành Nhà Hồ (Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO vinh danh) còn nằm sừng sững thì chừng ấy ngôi đền của nàng Bình Khương và câu chuyện cảm động của họ sẽ còn trường tồn, để minh chứng cho sự hi sinh của con người trước công trình kì vĩ.
Đền thờ bà Bình Khương là chứng tích nhằm đề cao đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Đền thờ nằm trên địa phận làng Đông Môn, một ngôi làng cổ thuộc xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; minh chứng cho quá trình lao động gian khổ, bền bỉ của người xưa tham gia xây dựng Thành Nhà Hồ. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, du khách xa gần, những người con quê hương Thành Nhà Hồ không quên chiêm bái, thắp nén hương thành kính trong đền.
Thành Nhà Hồ là công trình có giá trị về mặt lịch sử to lớn, thành được xây dựng trong khoảng thời gian hết sức ngắn ngủi, gấp gáp nhưng với khối lượng công việc đồ sộ. Để xây dựng thành, Hồ Quý Ly đã cho người đào đắp tới 80.000 m3 đất, khai thác vận chuyển, lắp đặt 20.000 – 25.000 m3 đá phiến, có những khối đá nặng tới 25.
Tuy nhiên, bên cạnh sự kì vĩ, những chiến công là những câu chuyện bí ẩn trong quá trình dựng thành. Có những câu chuyện đã trở thành giai thoại, huyền thoại, ăn sâu vào tâm tưởng của người dân nơi đây. Trong đó có câu chuyện đáng khâm phục và đẫm nước mắt của chàng Cống Sinh và nàng Bình Khương.
Dân gian trong vùng còn truyền lại câu chuyện rằng, công cuộc xây thành được diễn ra rất gấp gáp, nghiêm ngặt. Trần Cống Sinh (chồng nàng Bình Khương) là đốc công, được giao xây dựng tường thành phía Đông nhưng tường thành cứ xây xong lại sụt lún, làm chậm tiến độ nên Hồ Quý Ly nghi ông cố tình tạo phản nên đem giết. Có giả thuyết cho rằng, ông bị chôn vào chân thành ngay nơi ông được giao xây dựng.
Thương xót trước cái chết của chồng, để giữ tiết thủy chung, Bình Khương đã đập đầu vào đá tường thành tuẫn tiết. Trong cuốn “Thanh Hóa tỉnh – Vĩnh Lộc huyện chí” có đoạn ghi lại: “Người vợ là Khương (...) xót thương chồng chết, giận dữ chẳng tiếc tính mệnh, gào lên 3 tiếng, đập đầu vào chỗ đá ấy, hai bàn tay vỗ lên đá làm đá lõm xuống. Thời ấy không người nào là không rơi lệ, cảm động đến sự trinh tiết của nàng khiến đá cũng phải lõm”. Ngày nay, phiến đá còn in một vết lõm sâu và hai vết lõm nông vẫn được đặt ở vị trí trang trọng nhất của ngôi đền.
Cái chết ám ảnh để đòi lại công bằng cho chàng Cống Sinh của nàng Bình Khương đã khiến triều đình lúc bấy giờ phải tiến hành tra lại nguyên nhân khiến một đoạn tường thành phía Đông cứ xây lên cao lại đổ. Sau khi đào sâu xuống dưới, người ta phát hiện ra chân đoạn tường thành phía Đông có mạch nước ngầm lớn thường có cát đùn, nên địa chất không ổn định. Đây là lý do khiến đoạn tường cứ xây xong lại bị sụt lở. Sau cùng, để khắc phục sự cố, Hồ Nguyên Trừng - tổng chỉ huy xây thành, đã cho lát một phiến đá to, rộng dưới chân móng. Từ đó, đoạn thành phía Đông mới được xây lên.
Tương truyền Bà Bình Khương sống vào thời nhà Trần. Sau này, bà được nhà Nguyễn phong cho 4 chữ "Tiết liệu khả phong". Đến đời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn người ta nghe tin đồn về dấu tay và đầu nàng Bình Khương qua 500 năm vẫn còn in rõ trên phiến đá tường thành, nên khách xa gần hiếu kì tìm về đây rất đông. Viên hào lý trong làng Đông Môn lo ngại tiếng đồn ngày càng vang xa sẽ gây nhiều phiền nhiễu nên thuê thợ về đục cả phiến đá đem chôn. Nhưng sau khi đục xong phiến đá ấy, người thợ bỗng nhiên mắc bệnh lạ và chết, rồi viên hào lý cũng lăn đùng ra chết không rõ nguyên nhân.
Bấy giờ, Tri phủ Đoàn Thước nghe tin, sai lính tìm bằng được và đào phiến đá đó lên, lắp đúng vào chỗ cũ và khắc dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương nương, phu nhân tri thạch" (nghĩa là: Tảng đá này ghi dấu vết của nàng Bình Khương, là nương tử của ông Cống Sinh, triều nhà Trần. Tri phủ lại dựng thêm một phiến đá ở chân thành, nơi xưa kia Cống Sinh bị chôn lấp, trên đó cũng khắc một dòng chữ "Trần triều Cống Sinh - Bình Khương phu quân chi biếm" (nghĩa là: Nơi chôn lấp chồng bà Bình Khương, là Cống Sinh triều Trần).
Sau đó, nhân dân lập đền thờ bà ngay sát chân thành nhà Hồ về phía Đông, để ghi nhớ công lao của chàng Cống Sinh và lòng thủy chung, son sắt của nàng Bình Khương. Ngôi đền ban đầu được xây dựng bằng tre, nứa. Mãi đến năm 1903, tổng đốc Thanh Hóa lúc bấy giờ là Vương Duy Trinh trong một đêm nằm mộng đã gặp người phụ nữ khóc lóc kêu oan cho chồng. Sau khi hỏi thăm người trong vùng và được biết đó là nàng Bình Khương, ông liền cho quyên tiền xây dựng ngôi đền khang trang để thờ nàng và cho dựng bia ghi lại sự tích Cống Sinh - Bình Khương: “Tấm lòng trinh tiết in vào đá/ Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm”.
Các nho sĩ các triều đình phong kiến sau này mượn câu chuyện tình của nàng Bình Khương để làm đề tài sáng tác thơ ca. Một số bài thơ được khắc lên bia dựng ở đền thờ của bà. Sau này, khi đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho trùng tu, tôn tạo lại di tích, để trả lại cho ngôi đền như hiện nay.