Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Làng Sình tên Nôm là làng Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 10 km nằm bên bờ sông Hương của xứ Huế mộng mơ. Và bên kia sông là cảng Thanh Hà, nổi tiếng từ thời các vua chúa Nguyễn, còn có tên Phố Lở.

Cạnh đó là phố Bao Vinh, một trung tâm mua bán sầm uất, cận kề với đô thành Huế. Đây là một trung tâm văn hóa của vùng cố đô. Từ thế kỷ XVI đã được Dương Văn An (Quảng Bình) nhắc đến trong “Ô Châu cận lục” như một điểm giao thương nhộn nhịp: “Cầu Bao Vinh ngựa xe tấp nập, làng Lại An tiếng gà gáy sáng giục khách thương tài lợi cạnh tranh…” hay “Xóm Lại An gà xào xạc/ Giục khách thương mua một bán mười”. Làng Sình nằm cạnh ngã ba sông, nơi sông Hương hợp lưu với sông Bồ, trước khi đổ nước vào phá Tam Giang. Làng Sình được hình thành khá sớm ở xứ Đàng Trong (thời Trịnh - Nguyễn phân tranh).

Điểm nổi bật nhất của làng Sình là nghề làm tranh dân gian. Theo các cụ bô lão, từ xa xưa cha ông đã truyền lại rằng; tranh làng Sình có nguồn gốc tương tự tranh Đông Hồ, Kinh Bắc, tranh Hàng Trống, Hà Thành. Tranh làng Sình không chỉ đạt giá trị cao về nghệ thuật tạo hình tranh dân gian, mà nó còn gắn với chức năng tâm linh của xứ Huế thơ mộng. Đề tài tranh làng Sình chủ yếu phản ánh tín ngưỡng cổ xưa. Ngoài các đề tài thờ cúng, còn có tranh tố nữ, tranh sinh hoạt đời sống thường nhật.

Bản khắc tranh làng Sình

Bản khắc tranh làng Sình

Theo truyền thuyết kể rằng: Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, trong đoàn người tìm vào đất Thuận Hóa (Huế), định cư có ông Kỳ Hữu Hòa, mang theo nghề làm tranh giấy, in mộc bản của làng quê mình để mưu sinh và từ đó tranh làng Sình ra đời.

Năm 1996, Nhà nước có chủ trương phục hồi những nghề truyền thống, trong đó có nghề tranh dân gian làng Sình. Tuy nhiên cho tới nay nghề làm tranh làng Sình chỉ còn duy nhất một nghệ nhân là ông Kỳ Hữu Phước.

Huế là xứ sở của nhiều tính ngưỡng văn hóa dân gian như lễ thờ cúng tổ tiên, lễ kỵ giỗ, lễ cúng “bất đắc kỳ tử”, lễ tảo mộ, lễ cúng gia tiên, lễ thờ thần cửa ngõ… Chính vì đặc điểm này mà tranh làng Sình có cơ sở phát triển lâu dài với các đề tài tâm linh thờ cúng. Tranh dân gian làng Sình là một loại tranh in rời từng tờ một, theo khuôn khổ bản khắc làm bằng gỗ thị, gỗ mít để tạo đường nét đen trắng của tranh. Sau khi in nét xong, nghệ nhân tô màu lại bằng những gam màu được chế tác từ vỏ sò điệp. Màu được chế tác từ lá cây, tro rơm, gạch. Về in nét và tô màu giống tranh Hàng Trống, Hà Nội (in nét trước, tô màu sau).

Hầu hết các công đoạn từ tạo khuôn (bản khắc), in ấn, tô màu đều làm bằng thủ công- có tất cả 7 bước để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh: xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu và cuối cùng là điểm nhấn.

Nghệ nhân Hữu Phước đang chế tác bản khắc

Nghệ nhân Hữu Phước đang chế tác bản khắc

Giấy in tranh là loại giấy dó, có loại giấy khổ to giống giấy in báo. Các nghệ nhân phải dùng dao chuyên dụng để cắt giấy thành nhiều khổ khác nhau, phù hợp với từng khổ tranh.

Quét điệp là khâu rất quan trọng để tạo nên sự khác biệt của bức tranh làng Sình với các loại tranh khác. Để có điệp, người dân làng Sình phải đi thuyền dọc phá Tam Giang, đến đầm Cầu Hai cào điệp. Đây là loại vỏ sò mỏng có nhiều màu óng ánh. Vỏ điệp được giã thành bột, trộn với hồ. Dùng hỗn hợp này bôi hai lần đều lên giấy dó. Nhờ vậy, khi nhìn vào bức tranh ta sẽ thấy một lớp màu óng ánh ngọc trai của vỏ sò, sờ tay lên cảm thấy sần sùi, thô ráp. Đây là sự khác biệt tạo nên vẻ đẹp riêng của tranh Tết làng Sình.

Khi lớp điệp đã khô, nghệ nhân tiến hành in nét tranh trên mộc bản. Mộc bản là những khuôn tranh được khắc chạm từ trước, với nhiều hình thù (đường nét của các hình) và kích thước khác nhau. Mộc bản có nhiều loại gồm 40 - 50 tấm.

Loại mực in vô cùng đặc biệt. Màu đen: đốt rơm nếp thành tro, được hòa vào nước, lọc lấy nước sạch, đem nấu cô lại thành mực đặc sệt.

Sau đó nghệ nhân đặt tấm ván in xuống mặt đất, dùng chổi (làm bằng xác dừa) quét mực đen lên ván in nét, tiếp theo lấy giấy đã quét điệp úp chồng lên mặt bản khắc, dùng chổi (làm bằng xơ mướp) xoa nhẹ, đều lên mặt giấy. Sau đó bóc giấy ra đem phơi khô nơi thoáng mát.

Công đoạn tô màu lên tranh là khâu đòi hỏi sự khéo léo và năng khiếu mỹ thuật của nghệ nhân. Để làm công đoạn này, trước tiên phải pha màu. Cụ thể, mầu tím: làm từ quả mùng tơi chín, giã lấy nước rồi nấu cô lại đặc sệt. Màu vàng lấy hoa hòe, hay lá cây đung hoặc hoa giành giành. Màu lục pha chế từ cây môi hoặc cây bông ngọt. Màu vàng cam làm từ bột gạch mục. Bút tô màu, có hai loại: bút to và bút nhỏ.

Sau khi đầy đủ vật tư (các loại màu), dụng cụ bút, giấy điệp…nghệ sỹ bắt đầu tô màu theo chủ đề từng bức tranh. Màu sắc hiện dần rất tươi tắn, khác hẳn với các loại màu vô cơ (chế tác từ hóa chất).

Một số tranh làng Sình

Một số tranh làng Sình

Chủ đề tranh dân gian làng Sình gồm 3 nhóm chính: Tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật.

Tranh nhân vật gồm các loại: Tượng Bà, tượng Bếp, ông Điếu, ông Đốc…

Tượng Bà là những bức tranh thờ trên những chiếc trang bà, treo trên xà nhà, gọi là trang bổn mạng. Bà sẽ là người giúp đỡ và giải hạn cho nữ gia chủ. Bà bổn mạng trên tranh làng Sình thường được thể hiện trong hình tượng của một nữ nhân cưỡi voi, ở trong một khung hình chữ nhật, phía sau có 2 thị nữ cầm quạt đứng hầu hoặc chỉ cưỡi voi và có thị nữ hầu cận hay ngồi trên một đài cao.

Tranh súc vật là tranh in hình 12 con giáp. Tranh in hình các loài gia súc: trâu, ngựa, heo, dê... dùng để cúng tế hoặc treo trong các chuồng trại chăn nuôi gia súc, để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh, phát triển đầy đàn; tranh có in hình linh thú như voi, cọp (hổ) để dâng cúng ở các miếu, nhằm tỏ lòng thành kính của con người với các loài mãnh thú và cầu mong các mãnh thú này không giáng họa cho con người.

Tranh đồ vật là những bức tranh in hình các loại áo quần, khí cụ, cung tên, hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí.

Tranh dân gian làng Sình mang nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và lưu giữ những làng nghề dân gian nổi tiếng. Đối với người dân làng Sình đây là một nét văn hóa đẹp của cha ông để lại mang nhiều ý nghĩa thiêng liêng. Tranh làng Sình là một dòng tranh chính phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân xứ Huế đã có từ bao đời nay. Nó xuất hiện trong các dịp cúng bái, lễ Tết. Sau khi cúng xong sẽ được đốt, hóa cho ông bà tổ tiên.

Trần Mạnh Thường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dau-roi-tranh-tet-lang-sinh-post1709548.tpo