Dâu tây - sản phẩm đặc trưng của Mộc Châu

Cây dâu tây được đưa vào trồng ở Mộc Châu từ hơn 10 năm trước đây. Hợp đất và khí hậu trên vùng đất cao nguyên, cây dâu tây từng bước khẳng định là cây trồng thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Nông dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu thu hoạch dâu tây.

Nông dân xã Mường Sang, huyện Mộc Châu thu hoạch dâu tây.

Từ trồng thử nghiệm vài héc ta, đến nay vùng trồng dâu tây ở Mộc Châu đã có gần 130 ha dâu tây, tập trung chủ yếu ở xã Đông Sang, Mường Sang, thị trấn Mộc Châu và thị trấn Nông trường Mộc Châu.

Đến nông trại dâu tây “Huy béo Farm”, tại bản Là Ngà 2, xã Mường Sang của gia đình anh Nguyễn Đình Huy, đúng thời điểm bắt đầu thu hái dâu tây đầu vụ. Anh Huy chia sẻ: Năm 2018, gia đình thuê 5.000 m2 đất tại thị trấn Nông trường Mộc Châu để trồng thử nghiệm dâu tây, sau đó thuê thêm 2 ha đất tại xã Mường Sang để làm nông trại trồng dâu tây.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông trại dâu tây của gia đình anh Huy cho năng suất, sản lượng rất cao. Bình quân 1 ha dâu tây cho 18 tấn quả, với giá bán dao động từ 100-300 nghìn đồng/kg, tùy theo kích cỡ quả dâu, gia đình anh thu được khoảng 2 tỷ đồng/ha. Ngoài ra, nông trại còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Nông trại dâu tây của anh Huy còn thu hút đông du khách đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hái dâu tây vừa để thưởng thức và đem về làm quà. Du khách đến đây không phải mua vé, hái được bao nhiêu sẽ cân lên và tính theo giá bán chung. Anh Huy chia sẻ: Thời điểm đầu vụ nông trại thu hoạch từ 1-2 tạ quả dâu tây/ngày, thời điểm chính vụ sau Tết Nguyên đán thu khoảng 5 tạ quả/ngày; ngoài bán ra thị trường, nông trại tiêu thụ được khoảng 30% sản phẩm từ khách du lịch đến trải nghiệm tại vườn.

Xã Đông Sang một trong những địa phương trồng nhiều dâu tây nhất huyện, với gần 80 ha. Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng dâu tây và nắm bắt nhu cầu thị trường, xã đã khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng dâu tập trung. Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các hộ trồng dâu theo tiêu chuẩn VietGAP, để sản phẩm quả dâu tây ngon, sạch, an toàn, tạo được lòng tin với người tiêu dùng.

Dâu tây cho giá trị kinh tế cao, nhưng cũng là loại nông sản rất khó tính, đòi hỏi nhiều công chăm bón. Bởi vậy, để đảm bảo chất lượng quả, toàn bộ giống dâu đều do người dân chủ động ươm trồng. Hiện nay, phần lớn người dân trồng dâu theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới; sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt, bón phân tự động, để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Quy trình sản xuất liên hoàn, từ tháng 4-8 làm giống, tháng 8-12 xuống giống, chăm cây, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau thu hái. Bình quân 1 ha cho sản lượng khoảng 15 tấn quả, thu khoảng 2 tỷ đồng.

Phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, dâu tây Mộc Châu cho quả to, mọng nước, màu đỏ tươi, vị ngọt thanh. Ngoài bán quả dâu tây tươi, chủ các trang trại còn chế biến các sản phẩm, như: Mứt dâu tây, dâu tây sấy dẻo, siro dâu tây... Hiện nay, dâu tây Mộc Châu đã trở thành một trong những sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện. Nhiều sản phẩm dâu tây tại các vườn lớn đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Với giá trị của cây dâu tây mang lại, huyện Mộc Châu khuyến khích các gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng loại cây này theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần đa dạng hóa các loại nông sản đặc trưng trên cao nguyên Mộc Châu.

Bài, ảnh: Việt Anh

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/dau-tay-san-pham-dac-trung-cua-moc-chau-TkAv8jFSg.html