Đầu tư cho văn hóa chưa ngang tầm với sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi-Bài 5: Mấu chốt là đổi mới cơ chế, chính sách (Tiếp theo và hết)

Hiện nay vẫn còn tồn tại một số 'điểm nghẽn' trong đầu tư văn hóa nảy sinh từ thực tiễn mà chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý, cho nên học tập, tham khảo kinh nghiệm quốc tế là điều cần thiết.

Với mong muốn góp tiếng nói đa chiều, nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu, TS Trần Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người

Phóng viên (PV): Vì sao dù thể chế chính trị, đời sống xã hội, trình độ phát triển khác nhau, song bất cứ quốc gia nào cũng chú trọng đầu tư cho văn hóa, thưa bà?

TS Trần Thị Thủy.

TS Trần Thị Thủy.

TS Trần Thị Thủy: Văn hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí về mặt tinh thần của người dân, mà ngược lại còn bồi đắp, đúc rèn tố chất con người. Nhà kinh tế học John Keynes, Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh từng bày tỏ hy vọng về một ngày mà “nhà hát, khán phòng hòa nhạc, phòng tranh sẽ là một thành tố sống động trong sự trưởng thành của mọi người”.

Tư duy đầu tư cho văn hóa trước hết phải vì con người, tôn trọng các quyền văn hóa của người dân. Chính sách đầu tư văn hóa của Nhà nước phải được thiết kế để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển. Khi đầu tư cho văn hóa dựa vào quyền cơ bản của con người thì mới đúng hướng, hợp xu thế. Nhìn một cách tổng thể, trong điều kiện của một nước đang phát triển, Việt Nam trong nhiều năm qua đã nỗ lực đầu tư bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực văn hóa. Tạo điều kiện cho mọi người dân được thỏa sức sáng tạo văn hóa, hưởng thụ văn hóa, cũng như tôn trọng quyền văn hóa của họ chính là nền tảng để văn hóa Việt Nam ngày một phát triển

PV: Một trong những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa là làm phai nhạt bản sắc văn hóa dân tộc. Bà có thể cho biết các quốc gia đã đầu tư cho văn hóa thế nào để tăng sức đề kháng cho nền văn hóa?

TS Trần Thị Thủy: Toàn cầu hóa đưa đến cơ hội kết nối không có biên giới về không gian và thời gian đối với các quốc gia. Nhưng mặt trái của nó là bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc bị phai nhạt do người ta có xu hướng tiến đến những giá trị chung mang tính toàn cầu.

Khi thế giới đã "phẳng", không có cách thức ngăn chặn nào hiệu quả bằng việc mỗi quốc gia phải xây dựng “sức mạnh mềm” văn hóa dân tộc thông qua nâng cao đầu tư nguồn lực. Có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, đáng chú ý nhiều quốc gia đang tập trung đầu tư cho văn hóa theo hướng bản địa hóa các giá trị văn hóa toàn cầu.

Đường sách TP Hồ Chí Minh - mô hình thành công về huy động nguồn lực xã hội. Ảnh: HÙNG KHOA

Đường sách TP Hồ Chí Minh - mô hình thành công về huy động nguồn lực xã hội. Ảnh: HÙNG KHOA

Trên cơ sở chất liệu văn hóa vốn có của địa phương, những người sáng tạo văn hóa đã tìm cách nâng tầm để có tính quốc tế. Nhiều vở diễn thực cảnh dựa trên những câu chuyện lịch sử-văn hóa đặc trưng của một vùng đất được tái hiện sống động cùng với các màn trình diễn về âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật 3D mapping... làm cho những vở diễn vừa mang tính bản địa đồng thời mang tính quốc tế sắc nét. Những sản phẩm văn hóa như vậy có tính thu hút rất lớn đối với khách du lịch thế giới.

PV: Đầu tư cho văn hóa khó đo đếm hiệu quả tức thì, dẫn đến nghi ngờ tính khả thi nguồn vốn bỏ ra. Liệu đã hình thành cơ chế nào giám sát đầu tư cho văn hóa, tránh tình trạng đầu tư thiếu hiệu quả, lãng phí, thưa bà?

TS Trần Thị Thủy: Văn hóa là lĩnh vực khó đo lường bằng giá trị vật chất và các con số như các lĩnh vực khác. Do vậy, đầu tư cho văn hóa hiện nay đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đang linh hoạt với một số cơ chế nhằm giám sát đầu tư cho văn hóa, tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư công.

Ở một số quốc gia phương Tây, ngân sách nhà nước chi cho hoạt động văn hóa không rót trực tiếp mà thông qua các quỹ tín thác, còn gọi là chính sách “cánh tay nối dài”. Một tổ chức, cá nhân muốn xin kinh phí để hoạt động, sáng tạo văn hóa sẽ phải lập hồ sơ dự án, trình lên một hội đồng chuyên môn thẩm định, nếu đạt các tiêu chí thì sau đó mới trình lên hội đồng quản lý quỹ. Hội đồng quản lý quỹ thấy xứng đáng để đầu tư sẽ ra quyết định cấp kinh phí.

Ngoài ra, mô hình đầu tư công, quản trị tư là một hình thức quản lý văn hóa khá phổ biến. Ví dụ, Chính phủ Pháp cho phép tổ chức tư nhân điều hành, quản lý bảo tàng nổi tiếng Louvre nhưng không được phép sở hữu hiện vật. Việc này giúp Bảo tàng vận hành chuyên nghiệp, thu hút các hoạt động tăng thêm nguồn thu, tiếp nhận các khoản đóng góp; Chính phủ chỉ phải cấp kinh phí bảo vệ, hành chính thay vì phải “bao cấp” toàn bộ.

Ở Trung Quốc, nước này áp dụng hình thức quản lý và giám sát theo mục tiêu của dự án; đa dạng hóa hình thức đo lường: Nguồn thu, sức lan tỏa, tính thử nghiệm hình mẫu sự kiện... Tại một số địa phương của Trung Quốc đang đề xuất áp dụng nguồn dữ liệu lớn (big data) trong việc giám sát tính hiệu quả của các công trình văn hóa công.

Kế thừa kinh nghiệm quốc tế

PV: Một trong những “điểm nghẽn” trong đầu tư văn hóa ở nước ta là chưa đánh thức tiềm lực của khối tư nhân. Cụ thể kinh nghiệm huy động nguồn vốn xã hội hóa trên thế giới theo những hình thức nào, thưa bà?

TS Trần Thị Thủy: Rõ ràng nguồn vốn tư nhân là một trong những nguồn vốn tiềm năng để thu hút đầu tư cho văn hóa. Mỗi quốc gia dựa trên chủ trương phát triển văn hóa của mình sẽ có một cách riêng để kêu gọi sự tham gia của nguồn vốn dân doanh.

Nước Anh theo đuổi mô hình “nhà bảo trợ”, các cơ quan, tổ chức văn hóa-nghệ thuật có sự độc lập từ Chính phủ dù hoạt động được ngân sách tài trợ. Bên cạnh nguồn đầu tư của Nhà nước qua Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh, Chính phủ nước này còn có nhiều biện pháp ưu đãi để khuyến khích hiến tặng tư nhân, tài trợ của các doanh nghiệp và các nguồn tài trợ khác cho lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật. Vương quốc Anh tăng giá trị của các khoản đầu tư của tư nhân để được hưởng miễn thuế đầu tư xã hội. Cơ chế thuế đưa ra các biện pháp ưu đãi, miễn thuế thu nhập cá nhân và doanh thu cho các nhà đầu tư đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội khó khăn về vốn và ít có khả năng tiếp cận được chính sách “Cơ chế vốn đầu tư doanh nghiệp của quốc gia”.

Nước Pháp với mô hình “kiến trúc sư”, theo đó nhiệm vụ của Nhà nước là bảo đảm cho mọi người dân đều có thể tham gia vào đời sống văn hóa. Văn hóa luôn là lĩnh vực được các tập đoàn và doanh nghiệp quan tâm tài trợ. Sự phát triển nở rộ của các quỹ tài trợ do các tập đoàn và doanh nghiệp sáng lập bắt nguồn từ sự ra đời Luật Aillagon (được ban hành vào ngày 1-8-2003). Sau khi luật này có hiệu lực với các khoản khấu trừ thuế cho các cá nhân và tổ chức tài trợ, số lượng quỹ tại Pháp đã tăng gấp đôi.

Các đại biểu tham quan Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG

Các đại biểu tham quan Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). Ảnh: THANH TÙNG

PV: Đa số các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh: Đầu tư cho văn hóa cần phải chú trọng xây dựng nguồn nhân lực. Bà có thể nêu một vài mô hình thành công gắn với cách làm liên quan đến vấn đề này?

TS Trần Thị Thủy: Đối với văn hóa, nhân lực ở đây bao gồm cả nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo và nhân lực tiêu dùng. Vì văn hóa là một lĩnh vực đặc thù, nhân lực cần có nhiều tố chất tổng hợp, mà quan trọng nhất là tính sáng tạo.

Nhân lực quản lý và nhân lực sáng tạo có thể đào tạo, bồi dưỡng thông qua trường lớp chuyên ngành, các mô hình khởi nghiệp. Nhưng ở một góc độ khác, nhân lực tiêu dùng cũng cần phải coi trọng. Vương quốc Anh theo đuổi mục tiêu chính sách “văn hóa-nghệ thuật xuất sắc dành cho tất cả mọi người”, với mục tiêu kép là vừa hướng tới những tác phẩm văn hóa-nghệ thuật xuất sắc nhưng đồng thời cũng hướng tới sự tham gia của tất cả người dân vào hoạt động văn hóa-nghệ thuật bất kể hoàn cảnh kinh tế, xã hội, sắc tộc.

Nước Pháp luôn duy trì quy định bắt buộc về việc sử dụng các tác phẩm nghệ thuật để trang trí các tòa nhà công cộng thông qua “Ủy ban 1% cho nghệ thuật” được thành lập từ năm 1951. Theo đó, 1% tổng kinh phí xây dựng, phục chế hoặc cải tạo, mở rộng bất kỳ công trình công cộng nào cũng phải dành để mua các tác phẩm nghệ thuật đương đại. Đây là những chủ trương, cách làm đáng tham khảo, khi con người thấm đẫm giá trị thẩm mỹ thì họ lại trở thành động lực quan trọng của thị trường, thúc đẩy tiêu dùng văn hóa, gia tăng hiệu quả kinh tế cho các khoản đầu tư.

“Cần phát huy tinh thần tự hào dân tộc, nêu cao tinh thần quyết tâm, vượt khó, đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động thích ứng, linh hoạt, đổi mới sáng tạo. Bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội”

(Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngày 22-12-2023).

Nhóm phóng viên Báo QĐND (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/dau-tu-cho-van-hoa-chua-ngang-tam-voi-su-menh-soi-duong-cho-quoc-dan-di-bai-5-mau-chot-la-doi-moi-co-che-chinh-sach-tiep-theo-va-het-780842