Đầu tư có lỗ có lãi, quy trách nhiệm cán bộ thế nào cho khách quan?
Đây là điều được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Thống nhất rằng, tiêu cực thì phải xử lý, nhiều ý kiến đồng thời đề nghị chỉ tiêu lợi nhuận phải được đánh giá tổng thể chung.
"Không doanh nghiệp nào mà đầu tư cái gì cũng có lãi"
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng khi đánh giá doanh nghiệp cần đánh giá tổng thể giá trị mang lại chứ không đánh giá từng việc một. Kinh doanh có được, có mất, trong 10 việc được giao, có thể 2-3 việc làm chưa tốt nhưng “tổng thể vẫn dương” mà xử lý họ thì chưa phù hợp.
Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội một lần nữa dẫn ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm rằng “chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Quan điểm nhận được sự tán thành cao là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp gắn với phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và doanh nghiệp; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; không can thiệp trực tiếp vào quản trị hoạt động và sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Trong quá trình hoàn thiện luật, cơ quan thẩm tra đề nghị cần tiếp tục bảo đảm các quan điểm, yêu cầu rằng kết quả, hiệu quả hoạt động của DNNN được đánh giá tổng thể theo nhiệm vụ, mục tiêu, đặt trong bối cảnh của ngành, lĩnh vực hoạt động và thị trường, trong đó chỉ tiêu lợi nhuận phải được đánh giá tổng thể chung cho các hoạt động trong một khoảng thời gian xác định.
Chính vì vậy, có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm quy định “bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp” và bổ sung cơ chế bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp có thể thua lỗ tại một số dự án, tại một số thời điểm ngắn hạn nhưng khi đánh giá tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp vẫn có lãi và thực hiện tốt các mục tiêu trong dài hạn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cần xác định mục tiêu như trong 10 dự án dù có một số dự án lỗ nhưng tổng thể có lãi thì hoàn thành tốt nhiệm vụ về tổng thể mục tiêu. Còn nếu chẻ nhỏ ra thì rất khó vì không doanh nghiệp nào mà đầu tư cái gì cũng có lãi!
Ông cũng nhấn mạnh, DNNN ngoài lợi nhuận là mục tiêu tối thượng thì còn thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, nhiệm vụ chính trị, do đó cần có quy định tách biệt để giúp DNNN thực hiện nhiệm vụ kinh doanh sản xuất và các mục tiêu khác trong thời điểm cần thiết.
Nêu thực tế trong cùng một tập đoàn có nơi thừa vốn chưa biết đầu tư vào đâu, đem gửi ngân hàng, song có nơi lại cần vốn, ông Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề nên chăng có cơ chế “điều” từ nơi thừa sang nơi thiếu được hay không, nếu thấy cần thiết và đem lại hiệu quả? Hiện chưa có cơ chế này và dù không dễ, nhưng nếu làm được thì trong phạm vi nào đó chuyển nguồn sẽ hiệu quả và linh hoạt.
“Như đầu tư công, Chính phủ yêu cầu anh nào chưa thực hiện được thì chuyển vốn cho anh khác làm tốt hơn”, ông Hùng nói; đồng thời đề nghị rõ phân cấp, phân quyền, tách bạch trách nhiệm để tránh phải xin ý kiến nhiều nơi rồi có khi chỉ 1 ý kiến chưa thống nhất lại không quyết được.
Làm sao để cán bộ dám làm, dám đầu tư
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nêu thực tế có nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, cho đến nay vẫn đang giải quyết hậu quả và nhiều doanh nghiệp có tâm lý e ngại. Do đó luật này cần quy định rõ, giải quyết được các vấn đề hiện nay để các doanh nghiệp tự tin sử dụng vốn.
“Đầu tư phải có rủi ro, nếu do cố ý phải xử lý, còn rủi ro do các yếu tố khách quan thì phải chấp nhận”, chuyên gia kinh tế này nhìn nhận.
Ủng hộ phân cấp cho doanh nghiệp trong đầu tư để bảo đảm kịp thời, song ông cũng nhấn mạnh phải bảo đảm cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn để bảo đảm tránh tiêu cực, thất thoát.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) thì nhấn mạnh, quản lý phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp vừa có vốn nhà nước, vừa có vốn tư nhân như thế nào để sử dụng hiệu quả và cán bộ dám làm, dám đầu tư.
"Nhà nước quản lý vốn nhà nước đến 50%, tức tư nhân có thể cổ đông tới 49%, nên nếu chính sách tốt sẽ huy động được nguồn lực, còn nếu không tốt sẽ không huy động được. Cần quy định rõ vấn đề về phần vốn nhà nước, không được nhập nhằng", ông nói.
Theo đại biểu, cần quy định rõ vốn nhà nước là vốn điều lệ, còn phần vốn tăng lên trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp cần phân định rõ phần vốn thuộc về Nhà nước hay của các cổ đông khác. Bởi, nếu không phân định rõ ràng khi doanh nghiệp họ mang phần vốn tăng thêm đó đi đầu tư lỡ thua lỗ, cán bộ có thể bị quy trách nhiệm gây thất thoát tài sản nhà nước, trong khi thực tế phần vốn tăng thêm đó không hoàn toàn là của Nhà nước.
"Mặt khác, một doanh nghiệp có thể trải qua những thăng trầm, có giai đoạn lãi, lỗ, rồi lại vực dậy, do đó khi xem xét phải căn cứ nhiều yếu tố, kể cả yếu tố thị trường. Dự án này lỗ nhưng dự án khác lãi, tổng hợp lại vẫn hiệu quả là được”, ông Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm, đồng thời đồng tình nếu cán bộ tiêu cực, tham nhũng phải xử lý.