Đầu tư đồng bộ, hiện đại hạ tầng lưới điện ở huyện Vĩnh Linh
Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có 1 trạm biến áp (TBA) 110 kV, 3 TBA cắt tại các khu vực Cửa Tùng, Hồ Xá và Ngã Tư Đất với 338 trạm phụ tải, 335 km đường dây 22 kV, 746 km đường dây hạ áp, đảm bảo cung cấp điện cho 33.154 khách hàng sử dụng điện với tổng công suất 94.387 kVA. Sản lượng điện thương phẩm 105,9 triệu kWh/năm.
Để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, Điện lực Vĩnh Linh đã bám sát định hướng phát triển của địa phương và ngành điện để đề xuất nhiều giải pháp nhằm huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng lưới điện.
Trong đó, ưu tiên các khu vực có nhu cầu tiêu thụ điện năng cao như: Cụm CN Tây Bắc Hồ Xá, các địa bàn khai thác chế biến khoáng sản và kinh doanh dịch vụ thương mại... Bình quân mỗi năm có từ 10-15 công trình được xây dựng mới gồm: TBA phân phối; cải tạo, nâng cấp đường dây trung thế...
Trong đó phải kể đến một số công trình lớn như: Đại tu đường dây hạ áp tại: Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy, thị trấn Hồ Xá, thị trấn Cửa Tùng; cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường dây hạ áp tại: Vĩnh Kim, Vĩnh Hà, Vĩnh Tú, Vĩnh Tân và thị trấn Bến Quan; dự án DEP chuyển lưới 10kV, 35kV về 22kV tại những xuất tuyến 482E82, 478E82, 476E82 và 3 trạm cắt Cửa Tùng, Hồ Xá, Ngã Tư Đất; cải tạo nâng tiết diện xuất tuyến 472 trạm cắt Cửa Tùng để giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời mái nhà khu vực thị trấn Cửa Tùng...
Riêng trong năm 2023, Điện lực Vĩnh Linh đã triển khai đầu tư, sửa chữa 40 km đường dây trung áp, 23 km đường dây hạ áp, 17 TBA phụ tải, 7 thiết bị đóng cắt trên lưới với tổng giá trị đầu tư, sửa chữa gần 51 tỉ đồng.
Để đảm bảo lưới điện vận hành an toàn, liên tục đơn vị đã nghiên cứu và áp dụng giải pháp nâng cao độ tin cậy, Điện lực Vĩnh Linh tiến hành thay thế, nâng cấp lưới điện nông thôn bằng cách xử lý chảy dầu tại nấc phân áp của MBA tại hiện trường; giải pháp chống rắn bò vào đường dây gây sự cố trên đường dây 22 kV tại xuất tuyến (XT) 486 trạm cắt Ngã Tư Đất; tối ưu phương thức vận hành giữa XT476E82 và XT486E82 để tăng khả năng truyền tải đoạn tuyến đầu nguồn nhằm giảm tổn thất điện năng trên XT486E82; tối ưu phương thức vận hành giữa XT474E82 và XT472 Trạm cắt Cửa Tùng để giải tỏa nguồn công suất điện mặt trời mái nhà tại khu vực xã Kim Thạch nhằm ổn định trong vận hành giảm tổn thất điện năng...
Mặt khác, đơn vị đã chú trọng nâng cao chất lượng cung cấp điện trên địa bàn, nhất là vùng miền núi, vùng biển; xây dựng phương án cung cấp điện, sửa chữa lưới điện trong mùa khô, mùa mưa bão và chuẩn bị các phương án cung cấp điện an toàn, liên tục đối với các sự kiện, ngày lễ lớn diễn ra trên quê hương.
Thực tế cho thấy các công trình cải tạo, nâng cấp hạ tầng lưới điện sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là khôi phục năng lực vận hành, tiết kiệm vốn đầu tư, nâng cao độ tin cậy, chất lượng cung cấp điện an toàn, liên tục, tỉ lệ ổn thất điện năng giảm trên 5%/năm.
Đến nay, hệ thống điện trung thế liên xã huyện Vĩnh Linh đã được đầu tư theo quy hoạch, 100% xã đạt tiêu chí điện trong xây dựng nông thôn mới. Từ một huyện chỉ có 1 TBA trung gian 1000 kVA, 5 TBA phụ tải, đến nay mạng lưới điện trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã phủ khắp từ vùng đồng bằng đến miền núi.
Giám đốc Điện lực Vĩnh Linh Phan Thành Vinh cho biết, nhiệm vụ trong tâm trong những tháng cuối năm 2023 là đẩy mạnh việc thi công các công trình thuộc nguồn vốn sửa chữa lớn, đầu tư xây dựng mới để đáp ứng sự vận hành ổn định và lâu dài của lưới điện.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật, các thiết bị kiểm tra vào công tác quản lý vận hành lưới điện nhằm kịp thời phát hiện và ngừa các sự cố có thể xảy ra.
Nỗ lực nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng sử dụng điện; tập trung thực hiện có hiệu quả cung cấp dịch vụ cấp độ 4, đẩy mạnh áp dụng các dịch vụ điện theo phương thức điện tử của EVNCPC.
Mặt khác, tăng cường phối hợp giữa ban chỉ đạo bảo vệ hành lang an toàn lưới điện với chính quyền các địa phương để giải quyết triệt để các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, kịp thời phát hiện các vụ phát sinh và xử lý theo quy định. Khuyến khích, hỗ trợ cá nhân, doanh nghiệp tham gia mở rộng hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Ngành điện xác định nhiệm vụ quan trọng là duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ điện, đặc biệt là các vùng nông thôn, các cụm công nghiệp trên địa bàn. Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng KTXH, đảm bảo QP-AN địa phương.