Đầu tư giáo dục - Cân bằng lợi nhuận và chất lượng - Bài 3: Lách kẽ hở chính sách

Những sự việc vi phạm của nhiều chủ đầu tư thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư chân chính vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo bị mang tiếng. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo để cơ quan quản lý trung ương và địa phương xem xét lại các văn bản quy phạm pháp luật cũng như cách điều hành, quản lý.

Hạn chế trong quản lý

Theo quy định của Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, Việt Nam chỉ có ba loại hình trường: công lập, dân lập, tư thục. Trong đó, trường dân lập chỉ dành cho bậc học mầm non. Trường tư thục gồm trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường có 100% vốn đầu tư Việt Nam. Luật Giáo dục Việt Nam hiện hành không có quy định về trường quốc tế, nhưng rất nhiều trường vẫn tự gắn mác quốc tế để thu hút người học.

 Swinburne Việt Nam liên kết với Trường Đại học FPT thuê địa điểm đào tạo tại số A35 đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG

Swinburne Việt Nam liên kết với Trường Đại học FPT thuê địa điểm đào tạo tại số A35 đường Bạch Đằng (quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: THANH HÙNG

Tính đến tháng 5-2024, Sở GD-ĐT TPHCM công nhận 32 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, tăng 10 trường so với thời điểm năm 2019. Nhiều cơ sở giáo dục trong tên gọi có chữ “quốc tế” nhưng không được công nhận là trường có yếu tố nước ngoài, như TH-THCS-THPT Quốc tế Bắc Mỹ (huyện Bình Chánh), TH-THCS-THPT Quốc tế (quận Phú Nhuận), THCS-THPT Quốc tế Á Châu (6 cơ sở ở các quận 1, 3, 10, Tân Bình, Bình Thạnh và TP Thủ Đức), TH-THCS-THPT Quốc tế APU (quận 11)…

Theo giải thích của một cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, quy định về đặt tên trường hiện nay gồm 2 thành tố là bậc học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT) và tên riêng của trường, đảm bảo yêu cầu không trùng lặp với tên cơ sở giáo dục đã hoạt động trước đó và không trái thuần phong mỹ tục, không vi phạm các quy định pháp luật hiện hành. Do đó, việc các cơ sở giáo dục sử dụng danh từ “quốc tế” trước tên riêng của trường không được xem là vi phạm quy định pháp luật. Trong trường hợp này, nếu danh xưng “trường quốc tế” không tương ứng với các tiêu chuẩn, chất lượng về chương trình học, giáo viên, được công nhận bởi các tổ chức giáo dục uy tín trên thế giới thì cũng không bị xử lý về mặt pháp luật mà chỉ bị đánh giá tiêu cực ở góc độ uy tín, đạo đức và trách nhiệm dân sự với người học.

Trong khi đó, với giáo dục đại học (ĐH), liên kết đào tạo quốc tế còn được biết đến là hình thức học để lấy bằng quốc tế. Việc thực hiện chương trình liên kết đào tạo với các trường ĐH trên thế giới được kỳ vọng là một giải pháp giúp tăng cường quốc tế hóa giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế các chương trình được gọi là quốc tế chỉ mới dừng lại ở tên gọi.

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 6-2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (của 44 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ). Hàng chục ngàn sinh viên đang theo học các chương trình liên kết này với các đối tác ở Anh, Mỹ, Pháp, Australia…

Hiện nay, ở Việt Nam, chương trình liên kết đào tạo có nhiều hình thức như học lấy bằng nước ngoài tại cơ sở chi nhánh của trường ĐH quốc tế; học lấy bằng kép tại hai trường ĐH thuộc hai quốc gia; học chương trình liên kết quốc tế 2+2; học trực tuyến lấy bằng nước ngoài... Khi học chương trình quốc tế, tiếng Anh là ngôn ngữ bắt buộc. Tuy nhiên, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về tuyển sinh và tổ chức đào tạo các trình độ, điều đó đã dẫn đến 62,71% chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được xếp hạng, hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào (như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp)…

Quy định chưa chặt chẽ

Theo một số chuyên gia giáo dục, hầu hết cơ sở giáo dục được công nhận có yếu tố nước ngoài hiện nay trên cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Quy định này dẫn đến việc nhiều trường dạy chương trình nước ngoài, chuẩn đầu ra của học sinh được công nhận tương đương bằng cấp, chứng chỉ nước ngoài nhưng vẫn thuộc loại hình trường tư thục do có chủ sở hữu và nguồn vốn đầu tư trong nước. Trong khi đó, chủ sở hữu và nguồn vốn đầu tư là hai yếu tố có tính biến động cao trong lĩnh vực đầu tư vào giáo dục. Điển hình là vụ việc Công ty giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) của Việt Nam, hiện đang sở hữu 17 trường tư thục và trung tâm dạy ngoại ngữ, được bán cho Quỹ đầu tư Navis Capital Partners (Malaysia). Tương tự, Hệ thống Trường dân lập quốc tế Việt Úc (gọi tắt là VAS) ký kết hợp đồng chuyển nhượng với Tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu TPG; sau chuyển nhượng, tập đoàn này trở thành đơn vị sở hữu phần lớn cổ phần của VAS. Ngược lại, có trường hợp nhà đầu tư Việt Nam mua lại toàn bộ cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài từ nhà đầu tư nước ngoài, lúc này yếu tố “vốn đầu tư nước ngoài” không còn nữa dù hình thức hoạt động không thay đổi. Điều này vô hình trung tạo ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các cơ sở giáo dục.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động trường có yếu tố nước ngoài. Chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là người nước ngoài; thời gian thí điểm đối với một số chương trình nước ngoài đang bị bỏ ngỏ; việc chuyển nhượng vốn, thay đổi chủ sở hữu tại các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài gây khó khăn cho công tác quản lý… Từ những bất cập đó, Sở GD-ĐT TPHCM từng có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT quy định cụ thể hơn đối với từng loại hình trường, gồm: mối liên hệ giữa vốn đầu tư, học phí và quy mô tuyển sinh; cơ chế quản lý tài chính, quản lý kiểm định chất lượng, văn bằng chứng chỉ; vấn đề liên thông, chuyển trường với hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam; hướng dẫn về tiêu chuẩn của các vị trí hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…

PGS-TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng, việc cho các trường tự chủ song lại thiếu chế tài giám sát, đánh giá, xếp hạng cho các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài của Việt Nam dẫn đến một “làn sóng” các chương trình liên kết ồ ạt ra đời và được xếp chung vào một “giỏ” không kể chất lượng, “vàng thau lẫn lộn”. Các chương trình này cũng chưa có danh sách trên trang web của Bộ GD-ĐT, dẫn đến người học gặp khó khăn khi tìm kiếm các thông tin chính thống, khách quan về các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài. Phụ huynh thì bối rối, không biết đâu là chương trình uy tín, có chất lượng để con em theo học… Do đó, Bộ GD-ĐT cần sớm giải quyết dứt điểm tình trạng này và ban hành cơ chế để các cơ sở đào tạo Việt Nam tiếp cận được với các mô hình đào tạo nước ngoài tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới về hội nhập giáo dục đại học.

Từ vụ việc của Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ (TPHCM) và một số trường khác, yêu cầu nâng cao công tác quản lý nhà nước đối với việc hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo một lần nữa được đặt ra. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó, các giải pháp tăng cường quản lý loại hình trường có yếu tố nước ngoài đang thực hiện việc liên danh, liên kết, triển khai các chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài là những nội dung mới được đặt ra trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa giáo dục. Song song đó, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện rà soát, kiểm tra các trường có yếu tố nước ngoài trên toàn quốc đang giảng dạy chương trình tích hợp, chương trình quốc tế, chương trình liên kết với nước ngoài để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các vi phạm (nếu có).

NHÓM PV

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dau-tu-giao-duc-can-bang-loi-nhuan-va-chat-luong-bai-3-lach-ke-ho-chinh-sach-post756009.html