Đầu tư hạ tầng giao thông: Cần nguồn vốn 'khủng' để làm đường sắt
Hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới đây đã được hoạch định về nguồn vốn đầu tư cho các dự án có tính lan tỏa, kết nối giữa các lĩnh vực, vùng miền nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Lĩnh vực đường sắt dường như được quan tâm nhiều hơn.
Đường sắt sẽ được ưu tiên đầu tư
Theo ông Lưu Quang Thìn, Vụ phó Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT), thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Tuy nhiên, ông Thìn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế như sự mất cân đối giữa các dự án hạ tầng, chủ yếu tập trung cho lĩnh vực đường bộ, tiếp đến là hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa. Dẫn chứng như hệ thống đường sắt mặc dù là phương thức có nhiều ưu điểm nhưng chưa được ưu tiên đầu tư, còn lạc hậu; đường sắt đô thị triển khai chậm nên chưa giải quyết được tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn; chưa phát huy tiềm năng của đường thủy nội địa trong các khu vực có lợi thế.
Ông Thìn cũng lý giải nguyên nhân chủ yếu do xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ mục tiêu đầu tư. Nêu ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư chỉ rõ mục tiêu đặt ra là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hợp lý, bảo đảm cân đối, hài hòa, tận dụng lợi thế của các phương thức vận tải, nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn.
Theo đó, với vận tải đường bộ, đến năm 2030 phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc; tiếp tục đầu tư các tuyến cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn. Ước tính theo quy hoạch, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 24,8 tỷ USD; đến năm 2050 vào khoảng 33,64 tỷ USD.
Ông Thìn đánh giá đường sắt là phương thức có ưu thế về vận chuyển khối lượng lớn, nhanh, an toàn, thuận tiện, chi phí hợp lý, giảm ô nhiễm môi trường nên sẽ là một trong các ưu tiên đầu tư. Bộ GTVT tập trung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để giảm ùn tắc giao thông, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước; đầu tư các tuyến đường sắt mới, điện khí hóa để kết nối cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đồng bộ hạ tầng. Theo tính toán riêng lĩnh vực đường sắt, tổng mức đầu tư các dự án đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị); đến năm 2050 vào khoảng 312 tỷ USD.
Sửa Luật Đường sắt, tạo đột phá thể chế để phát triển hạ tầng
Để đường sắt thật sự khởi sắc, mới đây, Bộ GTVT đang xin ý kiến góp ý rộng rãi đối với dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), bổ sung nhiều quy định về đầu tư hạ tầng. Theo Bộ GTVT, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đường sắt 2017 đã phát huy hiệu quả, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của lĩnh vực đường sắt, làm rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của từng chủ thể tham gia trong lĩnh vực đường sắt.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện, Luật Đường sắt 2017 cũng đã bộc lộ những tồn tại, bất cập. Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang được Bộ GTVT lấy ý kiến gồm 8 chương, 80 điều. So với Luật Đường sắt 2017, Dự thảo giảm 2 chương và 7 điều. Trong đó, không tách riêng chương về đường sắt tốc độ cao và chương về đường sắt đô thị như trong Luật Đường sắt 2017. Theo Bộ GTVT, các quy định ở hai chương này tại Luật Đường sắt 2017 mới chỉ mang tính nguyên tắc chung, chưa cụ thể, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn khai thác và vận hành.
Mặt khác, đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao chỉ là các cấp kỹ thuật đường sắt và cần được thống nhất quản lý như các cấp kỹ thuật đường sắt khác từ quy hoạch đến đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng, nhân viên đường sắt, tín hiệu, quy tắc giao thông, đảm bảo trật tự an toàn đường sắt, kinh doanh đường sắt. Vì vậy, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT bố cục lại theo hướng không đưa các quy định về đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao thành các chương riêng mà được quy định chung cùng với các loại hình đường sắt khác. Về đầu tư, xây dựng hạ tầng đường sắt, tại dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT đã dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về: Trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư xây dựng công trình đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương, đường sắt chuyên dùng, đường sắt vùng và công trình hạ tầng kỹ thuật đấu nối với công trình đường sắt, công trình đường sắt quốc gia dùng chung với đường sắt địa phương, đường sắt dùng chung với đường bộ.
Dự thảo cũng bổ sung quy định nhằm rút ngắn tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt như: Được phép lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (Front - End Engineering Design, gọi là thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi để rút ngắn thời gian thực hiện dự án đối với dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Cùng đó, bổ sung quy định về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện.
Đề xuất gần 2.000 tỷ đồng nâng cao năng lực đường sắt Vinh - Nha Trang
Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề xuất với Bộ GTVT bố trí vốn thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cao năng lực đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – TP Hồ Chí Minh. Dự án tập trung cải tuyến, thay kiến trúc tầng trên kết hợp hàn ray, cải tạo nền đường để xử lý các nút thắt về vận tải, tăng năng lực thông qua tại các khu gian hạn chế, từ đó phát huy đồng bộ, hiệu quả khai thác. Về quy mô đầu tư, sẽ cải tuyến cục bộ 9 điểm/dài 8,75km gồm 19 đường cong bán kính nhỏ; cải tạo các khu gian hạn chế với chiều dài 72,86km thay kiến trúc tầng trên kết hợp hàn ray, cải tạo cống, hệ thống thoát nước và nền đường yếu đồng bộ để tăng tốc độ chạy tàu, qua đó tăng năng lực thông qua. Cùng đó mở mới một ga tại lý trình Km 1130 trên khu gian Vân Canh - Phước Lãnh. Ngoài ra, nếu cần thiết sẽ mở một ga mới trong khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Tổng mức đầu tư dự kiến 1.975 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2031.