Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
Chuyên gia cho rằng, mặc dù tiềm năng lớn, nhưng sản xuất hydro phát thải thấp vẫn gặp nhiều khó khăn như công nghệ thiết bị đắt đỏ và nhu cầu thị trường còn hạn chế. Tuy nhiên, chính những thách thức này lại mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, lọc hóa dầu, khí đốt...
Mới đây, tại Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam", ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN, đã chia sẻ những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực này.
Theo ông Minh, chiến lược phát triển năng lượng hydro của Việt Nam được công bố vào tháng 2/2024 đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, sản xuất hydro từ năng lượng tái tạo và các quá trình thu giữ carbon sẽ đạt từ 100.000 - 500.000 tấn mỗi năm. Đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên từ 10 - 20 triệu tấn. Tuy nhiên, hiện tại, sản lượng hydro toàn cầu chỉ đạt 97 triệu tấn, trong đó hydro phát thải thấp chiếm dưới 1%.
Hydro phát thải thấp chủ yếu được sản xuất thông qua điện phân nước với nguồn điện từ năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió hoặc từ các quá trình thu giữ và lưu trữ carbon (CCUS).
Ông Minh chỉ ra rằng, mặc dù tiềm năng lớn, nhưng sản xuất hydro phát thải thấp vẫn gặp nhiều khó khăn. Các rào cản bao gồm chi phí R&D cao, công nghệ thiết bị đắt đỏ và nhu cầu thị trường còn hạn chế. Ông cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù IEA dự kiến hoàn thiện bộ tiêu chuẩn hydro phát thải thấp vào năm 2025, nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa tận dụng được cơ hội này.
Tuy nhiên, chính những thách thức này lại mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Ông Minh cho biết, các công ty tư vấn kỹ thuật và pháp lý có thể hỗ trợ Chính phủ trong việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế cho hydro phát thải thấp. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí và hóa chất cũng có thể tìm kiếm cơ hội từ Quy hoạch điện VIII và Chiến lược Hydrogen quốc gia.
Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN cũng chỉ ra rằng, nhiều quốc gia đã và đang thiết lập các tiêu chuẩn cho hydro, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế. Ông Minh nêu ví dụ về việc Liên minh châu Âu (EU) đang hạn chế nhập khẩu thiết bị điện phân từ Trung Quốc, điều này có thể mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị hydro trong nước.
Ông cũng đề cập đến cơ hội trong ngành công nghiệp bán dẫn và khả năng hợp tác với các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ để thâm nhập vào thị trường EU và Bắc Mỹ.
Ngoài ra, cơ hội khai thác hydro tự nhiên cũng đang được chú ý. Các vùng như Mali, Pháp và Texas đã phát hiện các mỏ hydro tự nhiên và Việt Nam cũng có thể tổ chức thăm dò để khai thác nguồn tài nguyên này, đặc biệt tại các khu vực giàu tiềm năng như Phú Khánh, Cửu Long và Tây Bắc.
Ông Minh khuyến nghị các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, lọc dầu và khí đốt cần tham gia vào lĩnh vực hydro phát thải thấp để không chỉ tận dụng các cơ hội mà còn bảo đảm sự bền vững trong phát triển năng lượng. Sự chuyển mình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào mục tiêu giảm phát thải toàn cầu.