Đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh logistics
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) vừa công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022. Theo đó, top 5 về Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội.
Bình Dương đứng thứ 3 cả nước
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh năm 2022 được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn 1 năm, từ tháng 8-2022 đến tháng 11- 2023. Trong hơn 1 năm qua, các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với quy mô cỡ mẫu lớn, tiến hành hàng trăm giờ phỏng vấn sâu và hàng chục cuộc họp báo cáo cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp (DN) và các đơn vị nghiên cứu.
Kerry logistics, dự án vốn đầu tư nước ngoài về dịch vụ logistics tại TP.Dĩ An
Theo Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp, LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics. Chỉ số này sẽ giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành logistics tại các địa phương trên cả nước. Qua đó, tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, góp phần giúp Việt Nam phát triển.
Trong báo cáo LCI năm 2022, có 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng DN logistics. Kết quả có 21 địa phương ở tất cả các vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng LCI. Theo đó, top 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh logistics, gồm: TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội có chỉ số ngang nhau; xếp sau là Đồng Nai, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Long An, Cần Thơ...
Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành và phát triển 33 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các DN, đặc biệt là các DN FDI. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh hiện đã vươn lên đứng vị trí thứ 3 cả nước. Từ lợi thế đó, đã tạo điều kiện cho các DN kinh doanh dịch vụ logistics của Bình Dương phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các DN.
Phát huy lợi thế
Dịch vụ logistics hiện là một trong những ngành đang được Bình Dương quan tâm, mời gọi đầu tư. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh ngày càng có quy mô lớn, mức độ chuyên môn hóa cao, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển.
Bình Dương đang tập trung khai thác tối ưu những lợi thế của tỉnh trong phát triển dịch vụ logistics. Trong ảnh: Hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại ICD Tân Cảng Sóng Thần. Ảnh: NGỌC THANH
Theo Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phân phối đến các tỉnh, thành phố trong khu vực, xuất khẩu ra nước ngoài. Giai đoạn 2022-2025, Bình Dương phấn đấu có 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử); hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm: Cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Với mong muốn tìm được các dự án phù hợp, cũng như đối tác tiềm năng để phát triển dự án logistics chất lượng, Bình Dương tiếp tục tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Bình Dương đang quyết liệt triển khai, bám sát quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics.
Để ngành logistics phát huy đúng với tiềm năng, thế mạnh, Bình Dương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, tỉnh tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, nâng cấp các cảng thủy nội địa, đường sắt, hệ thống kho, bãi… Tất cả đang được quy hoạch xây dựng phát triển hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay quốc tế trong khu vực nhằm bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics được thuận lợi, nhanh chóng, giảm chi phí tối ưu cho DN.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết với mong muốn tìm được các dự án phù hợp, cũng như đối tác tiềm năng để phát triển dự án logistics chất lượng, Bình Dương tiếp tục tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Bình Dương đang quyết liệt triển khai, bám sát quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, phù hợp với phát triển ngành dịch vụ logistics. Bình Dương cũng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là thu hút các DN có năng lực về hoạt động logistics tới nghiên cứu đầu tư, xây dựng các trung tâm logistics đã được UBND tỉnh quy hoạch.
Bình Dương cũng đang dồn lực xúc tiến triển khai các dự án, như: Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành; phối hợp thực hiện dự án cầu Bạch Đằng 2 nối Bình Dương - Đồng Nai; nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên sông Sài Gòn nối với TP.Hồ Chí Minh. Cả đường sắt, đường bộ và đường thủy trên địa bàn đều đang được Bình Dương quan tâm, thúc đẩy triển khai trong nỗ lực kết nối với các cơ sở hạ tầng trọng điểm quốc gia trong vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.Hồ Chí Minh.