Đầu tư ra nước ngoài tăng trưởng tốt, doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới
Thời gian qua, bên cạnh các nỗ lực đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài. Và thực tế cho thấy, con số đầu tư 'vượt biên giới' ngày càng tăng trưởng, với sự thành công của nhiều doanh nghiệp đã góp phần nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ về kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao và đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Hái "quả ngọt" tại thị trường nước ngoài
Trong tiến trình phát triển, vươn ra thị trường nước ngoài để cạnh tranh, chinh phục, tìm kiếm doanh thu là chiến lược phát triển mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần hướng tới. Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt “hướng ngoại”, khi mà dòng vốn đầu tư ra nước ngoài liên tục tăng trưởng.
Việt Nam đầu tư gần 22,12 tỷ USD ra nước ngoài
Lũy kế đến ngày 20/2/2024, Việt Nam đã có 1.716 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 22,12 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng chiếm 31,5%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 15,5%. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào chiếm 24,8%; Campuchia chiếm 13,2%; Venezuela chiếm 8,3%…
Thống kê mới nhất cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án mới và không thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư đối với các dự án hiện hữu. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 25 triệu USD, bằng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 ngành, lĩnh vực ở 11 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 39,4%); hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 21,5%); xây dựng (chiếm 20%). Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Mỹ chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư; New Zealand chiếm 23,5%; Đức chiếm 21,5%; tiếp đến là Lào, Trung Quốc…
Đánh giá về tình hình đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, đầu tư làm ăn ở nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, khai thác tài sản chiến lược, tăng hội nhập sâu rộng. Đồng thời qua đó, các doanh nghiệp cũng trực tiếp tiếp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến của nước ngoài… nhằm giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới hội nhập.
Trước đây đầu tư ra nước ngoài chủ yếu là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với các dự án có quy mô vốn lớn. Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đặt chân đầu tư và thành công tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đơn cử như: Tập đoàn Viettel, FPT, Vinamilk, NutiFood…
Điều đáng tự hào là, viễn thông và công nghệ số là một trong những lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đem lại thành công vang dội. Trong đó không thể không nhắc đến cái tên Viettel và FPT vươn ra biển lớn, đưa trí tuệ Việt Nam quảng bá ra thế giới; mang sản phẩm dịch vụ Make in Vietnam ra nước ngoài và thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia.
Trong thời gian tới, nước ta xác định, khu vực Đông Nam Á, Mỹ và châu Âu là những thị trường mà các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam ưu tiên lựa chọn. Chia sẻ về câu chuyện này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhấn mạnh, tiến ra thị trường nước ngoài là nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy vinh quang để doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Nhận diện khó khăn, rủi ro để vượt qua
Vươn mình ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt đón nhận nhiều cơ hội lớn, song cũng không ít thách thức và rủi ro, bởi mỗi nước đều có những thể chế chính trị, chính sách kinh tế, phong tục tập quán, văn hóa, ngôn ngữ khác nhau. Đó là còn chưa kể đến những rủi ro đến từ vận tải, tỷ giá… và đặc biệt, năng lực đầu tư của đa số doanh nghiệp Việt chưa cao. Điều đó đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị tốt, cùng với sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững ở nước ngoài thì bản thân họ cần có định hướng hoạt động kinh doanh lâu dài, tạo dựng được thương hiệu và uy tín. Bên cạnh đó, các bộ ngành chức năng cần hướng đến một tầm nhìn dài hạn về đầu tư quốc tế, từ đó tăng cường hơn nữa việc nghiên cứu, đánh giá, phân tích cụ thể về quốc gia nhận đầu tư, từ hệ thống pháp luật, chính sách đến thông lệ đầu tư quốc tế… để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.
”Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều bất ổn và suy giảm, “sức khỏe” nền kinh tế có hạn và kinh nghiệm đầu tư ra nước ngoài đang dần được tích lũy, nên chúng ta phải đi từng bước phù hợp với trình độ và điều kiện phát triển của nền kinh tế Việt Nam, cũng như mối quan hệ quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới ở từng giai đoạn” - TS. Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.
Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, một trong những điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt Nam là sự liên kết với nhau trên địa bàn đầu tư ở thị trường nước ngoài còn khá lỏng lẻo, chưa có mối liên kết chặt chẽ. Vì vậy, doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần phải tạo dựng một mối liên kết chặt chẽ hơn để có thể chia sẻ với nhau về tình hình mới, các biến cố mới, để cùng nhau bàn bạc và cùng nhau vượt qua các khó khăn, thách thức để hái được quả ngọt trong quá trinh đầu tư ra nước ngoài.
Đầu tư Việt Nam tại Lào có sự phát triển không ngừng
Trong nhiều năm qua, hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào đã có sự phát triển không ngừng. Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2024. Hiện nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Lào 245 dự án, với tổng vốn đăng ký 5,5 tỷ USD. Đến nay, Lào tiếp tục đứng thứ nhất trong số 80 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, với 245 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 5,5 tỷ USD. Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tư lớn nhất tại Lào.
Năm 2024, Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào như năng lượng, khai khoáng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, nhất là tại khu vực biên giới hai nước, trọng tâm là thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các dự án quy mô lớn tại Lào. Bên cạnh đó, hai nước sẽ tích cực triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên với quyết tâm cao, nhanh và đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Song song với đó, nước ta có đề nghị chính phủ, các cơ quan chức năng của Lào có giải pháp hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm được các cân đối lớn của nền kinh tế, thu hút đầu tư phát triển; xem xét, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Có những giải pháp điều chỉnh để hoàn thiện chính sách pháp luật tiệm cận với thông lệ quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, có chính sách ưu đãi vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư; đơn giản và rút ngắn các thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư kinh doanh thuận lợi và hiệu quả tại Lào...