Đầu tư trái phiếu không phải may rủi, mà phải chuyên nghiệp
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Trong đó, ý kiến được đông đảo nhà đầu tư và thành viên thị trường quan tâm đó là đầu tư trái phiếu không phải may rủi, mà phải chuyên nghiệp, hoặc thông qua các nhà thầu chuyên nghiệp.
*Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội): Đề nghị giữ quy định sau 1 năm sau nắm giữ trái phiếu được chuyển nhượng.
Luật sửa đổi lần này rất quyết liệt trong việc xác định thế nào nhà đầu tư chứng khoán cá nhân chuyên nghiệp và được quyền đầu tư vào đâu. Việc sửa đổi này để tránh tình trạng như những năm vừa qua, người dân ham lãi suất cao đã đổ xô mua trái phiếu doanh nghiệp với rủi ro rất lớn.
Đáng chú ý, doanh nghiệp, tổ chức, các doanh nghiệp muốn bán được trái phiếu riêng lẻ phải có xếp hạng tín nhiệm cộng với phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh của ngân hàng. Quy định này để doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm, khuyến khích phát triển thị trường lành mạnh. Đầu tư trái phiếu không phải may rủi, mà phải là đầu tư phải chuyên nghiệp, hoặc thông qua các nhà thầu chuyên nghiệp.
Việc siết chặt quy định đồng nghĩa nhiều doanh nghiệp khó khăn hơn trong phát hành trái phiếu, khó bán được nhanh, huy động được nhiều, nhưng sẽ giúp hạn chế rủi ro với người mua.
Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc dự thảo luật quy định cá nhân đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu riêng lẻ này phải sau ba năm mới được bán, thay vì một năm như trước. Quy định như vậy, nhà đầu tư cá nhân sẽ có trách nhiệm tương đương nhà đầu tư chiến lược. Trong khi đó, vai trò của nhà đầu tư chiến lược là phải chung thủy, dẫn dắt doanh nghiệp.
Việc tăng thời hạn được phép chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ tới 3 năm sẽ làm mất tính linh hoạt huy động vốn của doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ nên giữ như quy định hiện hành, tức 1 năm sau nắm giữ trái phiếu riêng lẻ, nhà đầu tư được chuyển nhượng.
Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh): Đề nghị bỏ nội dung không công bố thông tin về dự kiến giao dịch là một hành vi bị cấm
Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán nhằm tăng cường tính răn đe, tính nghiêm minh của pháp luật.
Việc bổ sung hành vi không công bố thông tin của người nội bộ của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đại chúng và người có liên quan của các đối tượng này tại Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật còn “khiên cưỡng và chưa phù hợp”.
Việc công bố thông tin theo luật hiện hành về nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân trong hoạt động chứng khoán, trường hợp các tổ chức và cá nhân này vi phạm phải chịu chế tài xử phạt theo quy định tương ứng của pháp luật.
Bên cạnh đó, việc tổng kết và nghiên cứu các tình huống thực tế để xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh là cần thiết, nhưng cần xem xét về tính bao quát đại diện, tránh điều chỉnh từng hành vi và vụ việc riêng lẻ dẫn đến bỏ sót, lọt.
Tôi cho rằng, không thể vì không quản lý được thì cấm mà nên căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của các hành vi để xử lý theo hướng thật nặng đối với các hành vi cố tình vi phạm và xử lý ở mức độ hợp lý đối với các hành vi do vô ý
Ngoài ra, tôi cho rằng cần phải xem xét để đảm bảo tính phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành mà không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vì khoản 1 Điều 33 của Thông tư 96 năm 2000 của Bộ Tài chính đang cho phép người nội bộ và người có liên quan không phải công bố thông tin đối với các giao dịch trong ngày có trị giá dưới 50 triệu đồng.
Quy định cấm sẽ khiến cho hàng loạt các giao dịch nhỏ lẻ phải công bố sẽ làm tăng thêm gánh nặng pháp lý không cần thiết cho cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, dẫn đến sự trì trệ trong các quyết định giao dịch, làm ảnh hưởng đến thanh khoản và tính linh hoạt của thị trường mà vốn là do các yếu tố quan trọng và sự phát triển năng động và thu hút đầu tư.
Tôi đề nghị, dự thảo Luật cần nghiên cứu bỏ nội dung bổ sung “không công bố thông tin về dự kiến giao dịch là một hành vi bị cấm.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu): Bổ sung quy định về mức xử phạt và biện pháp phòng ngừa thao túng chứng khoán
Tại Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đã bổ sung quy định về các hành vi thao túng thị trường theo hình thức liệt kê các hành vi cụ thể, như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo...
Tuy nhiên, dự thảo vẫn thiếu các biện pháp xử lý rõ ràng đối với những hành vi này. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định về mức độ xử phạt và biện pháp phòng ngừa thao túng chứng khoán.
Bên cạnh đó, tại khoản 8, Điều 1 dự thảo Luật quy định: Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định…
Thời hạn tối thiểu 3 năm là dài đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này có thể ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 3 năm xuống còn 2 năm, đồng thời cho phép chuyển nhượng nội bộ trong vòng một năm giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo tôi, việc điều chỉnh thời gian sẽ làm tăng sự linh hoạt cho nhà đầu tư mà không ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường chứng khoán.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (đoàn Tuyên Quang): Cần làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư
Tại khoản 9, Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 31a vào sau Điều 31 quy định về “đình chỉ, hủy bỏ chào bán chứng khoán riêng lẻ”.
Tuy nhiên, dự thảo lại không quy định hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, như trách nhiệm hoàn trả tiền cho nhà đầu tư hoặc trách nhiệm bồi thường thiệt hại như thế nào. Do đó, tôi đề nghị cần làm rõ vấn đề này.
Tại Khoản 1, Điều 31a quy định: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ tối đa là 60 ngày khi phát hiện hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán, tài liệu báo cáo chào bán có thông tin sai lệch, bỏ sót nội dung quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, cho cổ đông của tổ chức phát hành hoặc việc phân phối chứng khoán không thực hiện đúng quy định pháp luật.
Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh rút thời gian đình chỉ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ, vì theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành thì đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải hoàn thành trong vòng 90 ngày. Nếu tổ chức phát hành chào bán chứng khoán riêng lẻ bị đình chỉ chiếm 2/3 thời gian (là 60 ngày) thì thời gian còn lại để chào bán chứng khoán chỉ còn 30 ngày. Như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh và việc chào bán thành công chứng khoán của tổ chức phát hành do bị khống chế thời gian chào bán chứng khoán riêng lẻ.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dau-tu-trai-phieu-khong-phai-may-rui-ma-phai-chuyen-nghiep/351870.html