Đầu tư xứng tầm cho đào tạo, thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Sáng 16/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức tọa đàm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc định hướng phát triển kinh tế mới, lĩnh vực mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm
Các phát biểu tại tọa đàm khẳng định chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao đối với năng lực thích ứng, đổi mới và sáng tạo của nguồn nhân lực quốc gia. Đặc biệt, các ngành, lĩnh vực kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược mới như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ bán dẫn, dữ liệu lớn, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, vật liệu mới và không gian vũ trụ…Trong bối cảnh đó, việc phát triển nhân lực chất lượng cao không thể tách rời yêu cầu về thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm đảm bảo chuyển hóa kịp thời định hướng chiến lược thành các hành động chính sách cụ thể, hiệu lực và khả thi.

Các đại biểu phát biểu trao đổi tại tọa đàm
Tập trung đánh giá về chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước, các đại biểu khẳng định việc ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nghị quyết đã xác định rõ vai trò đặc biệt của việc phát triển hệ sinh thái đồng bộ giữa nhân lực – thể chế – công nghệ, trong đó phát triển nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố đột phá, góp phần nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Các đại biểu tham dự tọa đàm
Qua phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, các đại biểu đã chỉ ra khoảng cách giữa chủ trương và thực tiễn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay. Theo đó, vẫn chưa có khung năng lực quốc gia đặc thù cho các ngành, lĩnh vực mới như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ bán dẫn, y sinh học, kỹ thuật năng lượng tái tạo. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc thiết kế chương trình, đánh giá năng lực và công nhận đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn; Cơ chế đặt hàng đào tạo từ phía doanh nghiệp - Nhà nước còn thiếu rõ ràng và hiệu quả. Việc phối hợp giữa ba bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp còn rời rạc, thiếu cơ chế chia sẻ trách nhiệm và lợi ích. Điều này ảnh hưởng lớn đến chất lượng và tính thực tiễn của các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực mũi nhọn; Hệ thống chính sách hiện còn phân mảnh, thiếu sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, nghề nghiệp và đại học. Nhiều chính sách mang tính định hướng nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể ở cấp địa phương và cơ sở...

Các đại biểu phát biểu trao đổi tại tọa đàm
Làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn và các vấn đề đặt ra trong quá trình thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về phát triển nguồn nhân lực, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như: Cần ban hành Luật phát triển nhân lực chất lượng cao nhằm xác lập nền tảng pháp lý thống nhất, dài hạn và có tính điều chỉnh đặc thù đối với nhân lực chất lượng cao. Xây dựng chính sách đào tạo ưu tiên ưu đãi cho các ngành mới, công nghệ cao, công nghệ chiến lược theo cơ chế đặc thù; thực hiện cơ chế “đặt hàng” của thị trường lao động, đặc biệt từ các doanh nghiệp trong ngành công nghệ cao, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp xanh. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng, đánh giá, đãi ngộ cán bộ khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao. Đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu hút, giữ người tài, các chuyên gia giỏi; đổi mới tuyển sinh bậc đại học, trong đó có tuyển sinh các chương trình công nghệ cao, đi đôi với đẩy mạnh đào tạo các môn STEM ở bậc trung học phổ thông, làm tốt công tác hướng nghiệp đối với học sinh. Thành lập các Quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực chất lượng cao quốc gia và địa phương trong các ngành ưu tiên như: Công nghệ thông tin, bán dẫn, công nghệ môi trường, logistics…

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, muốn phát triển nguồn nhân lực phải đánh giá, nhìn nhận rõ thực trạng, xu hướng và có giải pháp phù hợp. Về định hướng thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào đào tạo nhân lực cho những ngành công nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là nhóm ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, để đào tạo được nhân tài, trước hết cần phát triển tốt các mô hình đào tạo tài năng – đây không chỉ là nơi phát hiện và bồi dưỡng người học xuất sắc, mà còn là môi trường để thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cần nhấn mạnh vai trò của nguồn lực nhà nước trong việc đồng tài trợ cho các chương trình đào tạo, nghiên cứu và hợp tác với doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận các ý kiến tâm huyết của các đại biểu, đặc biệt là những giải pháp kiến nghị mang tính đột phá. Đây sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng giúp Đoàn giám sát có thêm luận cứ thuyết phục đánh giá toàn diện, thực chất và thực trạng phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Trên cơ sở đó, đề xuất những kiến nghị phù hợp, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước trong giai đoạn tới./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95057