Theo sử sách, Thái miếu nhà Hậu Lê (còn gọi là đền nhà Lê) vốn được xây dựng tại vùng đất Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) dưới đời vua Lê Thái Tổ và hoàn chỉnh thời các vua kế vị Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Nhân Tông (1442-1459). Sau khi bị hỏa hoạn, Thái miếu được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức.
Đến năm 1805, vua Gia Long ra lệnh chuyển Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ, bên cạnh trấn thành Thanh Hóa nay là làng Quảng Xá, phường Đông Vệ.
Nghinh môn đền Lê nằm cạnh một con đường nhỏ ở làng Quảng Xá
Nơi đây hiện đang lưu thờ 27 vị là Hoàng đế, Hoàng Thái Hậu cùng các vương công nhà Hậu Lê. Nơi đây còn thờ hai bậc khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và Lê Lai
Dù trải qua hơn 200 năm lịch sử, nhưng Thái miếu nhà Hậu Lê còn lưu giữ được nhiều hiện vật quan trọng như: Nghê gỗ từ thế kỷ 17 được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn và giá trị văn hóa. Thời phong kiến, nghê là biểu tượng của sức mạnh, hóa giải sát khí và mang lại tài lộc
Thái miếu gồm 2 tòa: Tiền điện và Hậu điện được bố trí liền nhau theo lối trùng thềm (kiểu chữ Nhị) gồm 7 gian, mái được lợp ngói mũi hài, phía trên nóc được trang trí công phu với biểu tượng "lưỡng long chầu nguyệt"
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, dù đã được tu sửa nhiều lần nhưng Thái miếu nhà Hậu Lê vẫn lưu giữ những nét kiến trúc cổ độc đáo
Tại gian giữa của Tiền Điện treo một bức hoành phi lớn có khắc 6 chữ: "Nam quốc sơn hà tự thử" (được hiểu là núi sông nước Nam có từ đây), bên cạnh có hàng chữ nhỏ ghi năm dựng miếu 1805
Một trong số thánh vị - bài vị đang được thờ tại Thái miếu nhà Hậu Lê
Hai ban thờ, ở phía tả thờ vị khai quốc công thần là Nguyễn Trãi và phía hữu thờ Lê Lai
Đây là hai vị quan văn võ có nhiều đóng góp to lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
Một trong các hiện vật được lưu giữ tại Thái miếu
Nằm trên cung đường thiên lý Bắc - Nam xưa với hai đường thủy, bộ thuận tiện, lại tọa lạc trong không gian cảnh sắc linh thiêng, đẹp đẽ. Trải qua thời gian hơn 200 năm từ khi khởi dựng, ngày nay Thái miếu nhà Hậu Lê dù nằm cạnh đường Quốc lộ 1A (cũ), song không vì thế mà mất đi vẻ đẹp tĩnh lặng và sự trầm mặc, linh thiêng vốn có
Thái miếu nhà Hậu Lê giữa lòng TP. Thanh Hóa sầm uất vẫn cổ kính và linh thiêng, là nơi để hậu thế tìm về, chiêm ngắm và tỏ lòng tri ân tiền nhân
Về Thái miếu nhà Hậu Lê, chị Thúy (ở TP. Thanh Hóa) chia sẻ: "Là con cháu dòng họ Lê, năm nào vào dịp đầu xuân tôi cũng cùng gia đình về thăm di tích, thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân. Lần nào đến đây cũng có cảm xúc linh thiêng và tự hào về công trạng của người xưa"…
"Ông đồ" Hà Văn Bôn viết chữ thư pháp phục vụ du khách vãn cảnh, chiêm bái tại đền nhà Lê. Đa số người dân xin các chữ có ý nghĩa cầu bình an, hạnh phúc, đỗ đạt và công danh sự nghiệp
Chí Tâm