Đẩy mạnh chế biến sản phẩm trái cây đặc trưng

Nâng cao giá trị các loại quả, giảm áp lực tiêu thụ quả tươi khi chính vụ, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện Yên Châu đã chú trọng việc chế biến, cung cấp đa dạng các sản phẩm chất lượng, được thị trường đón nhận.

Chuối là loại quả, gắn bó lâu đời với nông dân Yên Châu. Hiện nay, toàn huyện có trên 800 ha chuối, sản lượng khoảng 10.000 tấn/năm, trồng tập trung tại các xã dọc quốc lộ 6, như: Chiềng Đông, Sặp Vạt, Chiềng Hặc, Tú Nang; chủ yếu là giống chuối tây, trở thành hàng hóa đặc sản được nhiều người biết đến bởi độ ngọt, vị thơm ngon đặc trưng.

Trước đây, chuối Yên Châu được tiêu thụ chủ yếu dưới dạng quả tươi, bán cho các thương lái và xuất đi Trung Quốc; sản lượng lớn, các thương lái chỉ thu mua theo từng đợt, giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Những năm gần đây, nhiều cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đầu tư máy sản xuất, chế biến các sản phẩm chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn, rượu chuối..., được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đóng gói sản phẩm chuối sấy giòn tại cơ sở sản xuất Thành Công, thị trấn Yên Châu.

Đóng gói sản phẩm chuối sấy giòn tại cơ sở sản xuất Thành Công, thị trấn Yên Châu.

Là một trong những hộ có kinh nghiệm lâu năm chế biến chuối sấy giòn, anh Nguyễn Xuân Chiến, chủ cơ sở sản xuất Thành Công, tiểu khu 6, thị trấn Yên Châu, chia sẻ: Tham gia chương trình OCOP, từ năm 2019, gia đình tôi đăng ký và được hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì đóng gói, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Vì thế, sản phẩm chuối sấy giòn của cơ sở được nhiều nơi, nhiều người biết đến và đặt hàng. Trung bình, cơ sở sản xuất khoảng 50 kg chuối sấy/ngày , xuất bán một số tỉnh, thành phố trong nước.

HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc chế biến chuối sấy dẻo.

HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc chế biến chuối sấy dẻo.

Nâng cao giá trị chuối địa phương, HTX nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, đầu tư nhà sấy năng lượng mặt trời gần 70 m2; gồm hệ thống mái mica tích tụ nhiệt, hệ thống quạt hút ẩm, lưới chống côn trùng để làm chuối sấy dẻo. Với phương pháp sấy bằng năng lượng mặt trời, tận dụng được nguồn nhiệt, tiết kiệm chi phí; trong quá trình sấy cách ly hoàn toàn với các yếu tố như mưa, bụi, côn trùng… sản phẩm chuối đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX nông nghiệp Nà Ngà sấy 2 tấn chuối tươi/tháng, được 800 kg chuối khô thành phẩm, bán với giá 50.000 đồng/kg; tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng trong tỉnh, thành phố Hà Nội. Doanh thu từ sản phẩm chuối sấy đạt trên 400 triệu đồng/năm.

Chị Lò Thị Hóa, thành viên HTX nông nghiệp Nà Ngà chia sẻ: Gia đình có hơn 5.000 m2 trồng chuối. Trước đây, khi chưa đưa vào chế biến, sản phẩm chuối tươi của gia đình tiêu thụ bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, chuối được HTX thu mua chế biến thành chuối sấy dẻo, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn, thị trường tiêu thụ thuận lơi.

Sơ chế mận trước khi đưa vào chế biến tại HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán.

Sơ chế mận trước khi đưa vào chế biến tại HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán.

Ngoài chuối, Yên Châu là địa phương có diện tích mận hậu trên 3.500 ha, sản lượng trên 30.000 tấn quả/năm. Nhiều năm trở lại đây, nhờ áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, chú trọng trong chiết ghép, tỉa cành, sản phẩm mận Yên Châu có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, tiêu thụ dưới dạng quả tươi, quả mận rất khó bảo quản, dễ dập và hỏng khi vận chuyển đi xa. Nâng cao giá trị mận hậu địa phương, HTX Tây Bắc, xã Viêng Lán đã thử nghiệm chế biến mận hậu sấy dẻo.

Anh Nguyễn Anh Đức, Phó Giám đốc HTX Tây Bắc, chia sẻ: Để tạo ra sản phẩm mận sấy dẻo chất lượng, phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu làm sạch, sơ chế qua, bổ sung nguyên liệu đường và trộn đều; đưa vào sấy bằng hệ thống kín; quá trình sấy được theo dõi bằng đồng hồ cảm nhiệt, đảm bảo sạch, an toàn.

Mận hậu Yên Châu được sấy bằng công nghệ hiện đại.

Mận hậu Yên Châu được sấy bằng công nghệ hiện đại.

Vụ mận năm nay, HTX Tây Bắc chế biến gần 50 tấn quả tươi, tương đương 10 tấn mận sấy dẻo. Mỗi hộp mận sấy dẻo có trọng lượng 200g, bán với giá 40.000 đồng. Thời điểm này, HTX tập trung nhân lực chế biến, cất trữ để có đủ hàng cung ứng cả năm, nhất là vào dịp lễ, Tết.

Thử nghiệm chế biến thành công sản phẩm mận sấy dẻo, HTX Tây Bắc đang tiếp tục nghiên cứu chế biến các sản phẩm mứt mận, ô mai mận... cung ứng ra thị trường và xây dựng thành sản phẩm OCOP sắp tới.

Thời điểm này, vùng trồng mận, xoài, chuối của huyện Yên Châu đang vào vụ thu hoạch, cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, các cơ sở sản xuất, HTX trên địa bàn huyện Yên Châu chế biến thành công, đa dạng sản phẩm từ các loại quả đã góp phần quảng bá thương hiệu nông sản, giảm sức ép về sản lượng tăng cao trong mùa vụ.

Sản phẩm mận hậu sấy dẻo của HTX Tây Bắc.

Sản phẩm mận hậu sấy dẻo của HTX Tây Bắc.

Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu, cho biết: Đầu tư vào chế biến là giải pháp hữu hiệu, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giải quyết đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường cho nông sản nói chung và mặt hàng trái cây nói riêng.

Thu hút thêm nhiều hộ dân, HTX tham gia hoạt động chế biến các loại quả hơn nữa, huyện Yên Châu đang phối hợp đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ về máy móc sản xuất, bao bì, tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp người dân, HTX có điều kiện tiếp cận, cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, góp phần quảng bá, giữ vững thương hiệu nông sản địa phương, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/day-manh-che-bien-san-pham-trai-cay-dac-trung-lcsZHd8Ig.html