Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc Khơ Mú
Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với một số ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung, đồng bào dân tộc Khơ Mú nói riêng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác dân tộc.
Cuộc sống mới của đồng bào Khơ Mú, bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát).
Đồng bào dân tộc Khơ Mú ở Thanh Hóa trước đây sống du canh du cư. Thực hiện cuộc vận động định canh định cư, từ năm 1994 đến nay, đồng bào đã định cư tập trung tại bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn và bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát). Hiện nay, dân tộc Khơ Mú ở tỉnh Thanh Hóa có gần 200 hộ, khoảng 1.000 nhân khẩu. Để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp; chủ động phối hợp với một số ngành và huyện Mường Lát khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu tuyên truyền pháp luật của người dân. Trong đó, ưu tiên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, như: Đa dạng hóa các hoạt động tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến chính sách, pháp luật theo hướng đơn giản hóa cho đồng bào dễ tiếp thu... Điển hình là Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp và UBND huyện Mường Lát tổ chức lớp tập huấn, tuyên truyền nội dung một số văn bản luật.
Với 106 học viên là đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản Lách, xã Mường Chanh và bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn. Thông qua lớp tập huấn, đồng bào đã nắm và hiểu rõ hơn về một số nội dung chính, như: Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Hòa giải cơ sở; Luật Lâm nghiệp; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Ngoài ra, đồng bào còn được phổ biến kiến thức về phát triển nông, lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng các loại nấm, mộc nhĩ, măng Bát Độ... Bên cạnh đó, lớp tập huấn còn lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc đang triển khai trên địa bàn và một số thông tin tình hình thời sự trên địa bàn vùng biên giới...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào DTTS nói chung, đồng bào Khơ Mú nói riêng còn một số hạn chế nhất định, đó là, đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở còn hạn chế về kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật; phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc có sự khác nhau, địa bàn phổ biến, giáo dục pháp luật trải rộng; trang thiết bị, kinh phí phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng được nhu cầu...
Để khắc phục những hạn chế trên, theo đồng chí Lương Văn Tưởng, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xác định đây là công tác trọng tâm, trọng điểm và thường xuyên; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đồng bào các DTTS; phát huy tối đa vai trò của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; đa dạng hóa nội dung và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; kết hợp hài hòa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống với những hình thức mới đang được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn...