Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể mang lại lợi ích cho người lao động
Hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên; đồng thời, bảo vệ quyền, lợi ích của NLĐ. Do đó, thời gian qua các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp có hiệu quả với người sử dụng lao động trong việc tổ chức các hoạt động đối thoại bắt buộc theo quy định của pháp luật và đa dạng các hình thức đối thoại khác. Đồng thời, thể hiện rõ vai trò là tổ chức đại diện NLĐ tham gia thương lượng, ký kết TƯLĐTT nhằm hạn chế tranh chấp lao động và hỗ trợ phát triển quan hệ lao động trong tình hình mới.
Công nhân Công ty TNHH Giày Aleron Việt Nam tham dự hội nghị đối thoại giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh ban hành kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các đơn vị, gắn kết quả thương lượng, ký kết TƯLĐTT là cơ sở để bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm. Chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn các công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ động phối hợp, đề xuất với doanh nghiệp (DN) thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại theo quy định. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng về thương lượng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ CĐCS. Đồng thời, chỉ đạo các CĐCS chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời trao đổi, đối thoại với người sử dụng lao động về những quan tâm của NLĐ. Cùng với sự chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, các CĐCS trong DN đã phát huy vai trò cầu nối trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột giữa NLĐ với người sử dụng lao động. Khi có tranh chấp xảy ra như đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, ngừng việc tập thể... CĐCS sẽ tổ chức đối thoại nhằm dung hòa lợi ích của NLĐ với người sử dụng lao động, hạn chế NLĐ tự ý bỏ việc, làm việc không hết trách nhiệm, không tôn trọng cam kết, TƯLĐTT...
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Mạnh Sơn cho biết: LĐLĐ Thanh Hóa đang quản lý 3.679 CĐCS, với 348.422 lao động; trong đó, khối hành chính sự nghiệp là 2.861 CĐCS với 99.794 người; khối DN 818 CĐCS với 248.628 người. Nhiều năm qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn xác định việc đối thoại xã hội và thương lượng tập thể trong quan hệ lao động tại DN là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn, góp phần tham gia quản lý DN, giảm thiểu xung đột, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển.
Thông qua việc thương lượng, ký kết TƯLĐTT sẽ tạo “điểm cân bằng” về phân chia lợi ích của các bên, tạo sự đồng thuận trong quan hệ lao động. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 609/818 DN đã ký được TƯLĐTT, đạt tỷ lệ 74,4% tổng số DN có tổ chức công đoàn, bao phủ trên 239.000 NLĐ. Hằng năm, có trên 70% DN tổ chức được hội nghị đối thoại định kỳ. Nội dung đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT chủ yếu tập trung về tiền lương, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi cho NLĐ.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Võ Mạnh Sơn cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một số chế độ phúc lợi, tiền lương dù đã được các bên đưa ra đối thoại, thương lượng tập thể, nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Đặc biệt, sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các DN đưa ra nhiều lý do khó khăn, mong muốn NLĐ, công đoàn chia sẻ cùng DN tạm thời chưa thực hiện việc tăng lương.
Trước thực trạng trên, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ CĐCS, nhất là các CĐCS ở DN có đông công nhân, lao động về kỹ năng đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo hướng cầm tay chỉ việc, sát với điều kiện cụ thể của từng DN. Nội dung tập huấn tập trung vào nội dung cụ thể của từng CĐCS DN, lớp tập huấn chia tổ thảo luận, phân vai thực hành. Kết quả tập huấn, cán bộ CĐCS được hướng dẫn cách xử lý các tình huống của chính DN mình, là những kỹ năng quan trọng để cán bộ CĐCS thực hiện việc đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động tại chính DN của mình. Điển hình như sau đại dịch COVID-19 một số tỉnh lân cận Thanh Hóa đã xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, có nguy cơ hiệu ứng dây chuyền rất lớn đến tâm lý của NLĐ trên địa bàn tỉnh. Trước bối cảnh đó, LĐLĐ tỉnh đã kịp thời tổng hợp tình hình, phân tích các tình huống có khả năng xảy ra, định hướng các nội dung cần đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để phòng ngừa xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Trên cơ sở đó, CĐCS đã chủ động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về các nội dung dự kiến công nhân, lao động sẽ kiến nghị, yêu cầu, nhất là việc điều chỉnh tiền lương sau một thời gian dài do ảnh hưởng đại dịch COVD-19 mà các DN chưa tăng lương cho NLĐ. Qua đối thoại, thương lượng, các DN đã nhất trí tăng tiền lương và một số chế độ phúc lợi cho NLĐ, từ đó đã ổn định được tình hình quan hệ lao động, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.