Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của huyện Hải Lăng

Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hải Lăng nói riêng ngày càng được nâng cao cả về quy mô và chất lượng, từng bước khẳng định vị trí, vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển, tiếp cận các nhà đầu tư. Từ đó, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T

Gian hàng trưng bày sản phẩm của huyện Hải Lăng - Ảnh: H.T

Năm 2022, Cơ sở sản xuất bánh bột lọc Huệ của vợ chồng anh Hồ Minh Thạnh và chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng được hỗ trợ 45 triệu đồng từ nguồn vốn khuyến công cấp huyện để đầu tư một số loại máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm thời gian, công sức như: máy hấp, máy hút chân không, máy đánh bột, máy nghiền bột, nồi hấp công nghiệp...

Ngoài ra, sản phẩm bánh bột lọc của gia đình anh chị còn được khuyến khích, tạo điều kiện để tham gia quảng bá, kinh doanh tại các hội chợ thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh. Anh Hồ Minh Thạnh, chủ cơ sở sản xuất bánh lọc Huệ chia sẻ: “Trước đây, gia đình chúng tôi làm bánh bột lọc chủ yếu là thủ công. Từ năm 2022, chúng tôi được thụ hưởng nguồn vốn khuyến công của huyện, cùng với số vốn tích góp của gia đình nên đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhờ vậy, năng suất và chất lượng của sản phẩm ngày một tăng lên, được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt hàng liên tục. Đặc biệt, sản phẩm bánh bột lọc do gia đình chúng tôi sản xuất đã đoạt giải Nhất khi tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2022 và là 1 trong 22 sản phẩm/bộ sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh năm 2022.

Đây là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó, gìn giữ và ngày càng phát triển nghề làm bánh bột lọc truyền thống của gia đình và địa phương. Trong năm 2024 vừa qua, sản phẩm bánh bột lọc Huệ đã được rất nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến và đặt mua thường xuyên nhờ tham gia các chương trình, hội chợ và các hoạt động kết nối cung cầu trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị”.

Cũng là một trong những doanh nghiệp thường xuyên góp mặt tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc ở thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng đã mang các sản phẩm chất lượng được thu hái, chưng cất, tinh chế ra thành những sản phẩm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người đến với khách hàng gần xa. Hiện công ty có 2 sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm sản phẩm nước súc miệng Perfect và sản phẩm tinh dầu tràm; có 10 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Khiết, Giám đốc Công ty TNHH Tinh dầu tràm Bảo Ngọc cho biết, nhờ sự hỗ trợ của các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện, doanh nghiệp có cơ hội được quảng bá sản phẩm của mình tại các hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Từ những hội chợ này, doanh nghiệp có thêm nhiều khách hàng và ký được nhiều hợp đồng, việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn.

Năm 2024, huyện Hải Lăng đã đẩy mạnh, tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các hoạt động XTTM trong và ngoài tỉnh để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện như: Hội chợ “Nhịp cầu xuyên Á”; Hội nghị kết nối giao thương B2B; Hội chợ thương mại huyện Vĩnh Linh; các đoàn giao thương tại các tỉnh, thành phố trong cả nước do Sở Công thương và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh kết nối...

Mặt khác, huyện cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của huyện như: Rượu Kim Long của Hợp tác xã Kim Long, xã Hải Quế; bưởi da xanh, cam của Tổ hợp tác Xuân Lâm, xã Hải Lâm; ném lá, mướp đắng của Hợp tác xã Thuần Việt, xã Hải Dương; bánh tét Long Hưng của Tổ hợp tác bánh tét Long Hưng, xã Hải Phú; chuối sấy dẻo, trà lá sen của Công ty SHUKA ở xã Hải Phong. Hoạt động XTTM còn được các đơn vị liên quan đẩy mạnh trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hải Lăng Lê Nhân Mạnh thông tin: “Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2025, nhân dịp chào mừng kỷniệm 50 năm giải phóng huyện Hải Lăng 19/3 (1975-2025), Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã tham mưu UBND huyện xây dựng đề án tổ chức Hội chợ thương mại huyện Hải Lăng năm 2025 từ nguồn vốn XTTM tỉnh.

Cụ thể, hội chợ có quy mô 190 gian hàng, với trên 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tham gia trưng bày, quảng bá các sản phẩm có chất lượng, thương hiệu và uy tín. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, từ đó góp phần tăng doanh thu, mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm kiếm được nhiều cơ hội kinh doanh.

Mặt khác, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, Phòng Kinh tế và Hạ tầng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động XTTM, giao thương kết nối; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh về thông tin thị trường, các thủ tục xây dựng thương hiệu; tập huấn kỹ năng XTTM, văn minh thương mại, quản lý doanh nghiệp đáp ứng với thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đồng thời tiếp tục đề xuất với UBND huyện và các sở, ngành liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp nòng cốt tại các cụm công nghiệp để làm đầu mối cung cấp nguyên liệu và ổn định việc tiêu thụ sản phẩm...”

Thu Hạ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/day-manh-hoat-dong-xuc-tien-thuong-mai-ket-noi-thi-truong-tieu-thu-san-pham-cua-huyen-hai-lang-191305.htm