Đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản

Đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu rõ hơn về tiềm năng, chủ trương, chính sách của tỉnh từ đó đặt ra hướng đi, khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Ngày 26/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, Hợp tác xã - Kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản năm 2024 nhằm giúp các cơ quan chuyên môn hiểu rõ, đầy đủ hơn những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững. Đồng thời, đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã hiểu rõ hơn về tiềm năng, chủ trương, chính sách của tỉnh từ đó đặt ra hướng đi, khai thác tiềm năng để phát triển sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 400 hợp tác xã; trong đó có 181 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ phục vụ sản xuất. Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời giữ vai trò, vị trí quan trọng, vừa hỗ trợ thành viên tích cực tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh ước đạt 5.742,6 tỷ đồng, tăng 3,3%.

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác, hỗ trợ, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: TTXVN phát

Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ về Hợp tác, hỗ trợ, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Ảnh: TTXVN phát

Giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh theo 5 tiểu vùng sinh thái gắn với phục vụ du lịch. Việc xây dựng, mở rộng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ được coi là bước đột phá để nâng cao sức cạnh tranh của nền sản xuất nông nghiệp trong quá trình hội nhập, là bước đi quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Thời gian tới, trên cơ sở xác định rõ các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của từng vùng sinh thái, Sở sẽ hỗ trợ xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức, nhất là việc đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, Sở đẩy mạnh liên kết 4 nhà nhằm đưa nông sản của tỉnh tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thu; tập trung thu hút, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tham mưu cơ chế, chính sách ưu đãi để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến sâu.

Các đại biểu thăm quan sản phẩm trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Các đại biểu thăm quan sản phẩm trưng bày bên lề hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc kết nối cung - cầu nông sản, thực phẩm ngày càng được thực hiện đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đặc biệt thương mại điện tử được đẩy mạnh, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã với nhiều mặt hàng lên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, nối dài chuỗi giá trị nông sản và tạo ra giá trị gia tăng.

Ninh Bình là địa phương có lợi thế về du lịch, bên cạnh việc tận dụng lợi thế để truyền thông, đưa sản phẩm tới gần với khách du lịch thông qua các kênh bán hàng tại các điểm du lịch, các hội chợ, trung tâm thương mại thì các doanh nghiệp, hợp tác xã cần đổi mới, tiếp cận, đẩy mạnh việc đưa các mặt hàng lên sàn thương mại điện tử, đồng thời gắn câu chuyện vào từng sản phẩm từ đó tạo nên sức mạnh mềm, dấu ấn, mang giá trị truyền thống của mỗi vùng đất và đây cũng là thương hiệu để góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tại buổi đối thoại, đại diện nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã nêu những khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình hoạt động và thẳng thắn trao đổi những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi; các điều kiện, thủ tục để hợp tác xã được hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, VietGAP; OCOP; việc hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng; các chính sách thuế đối với hợp tác xã; hỗ trợ xúc tiến thương mại, các chính sách về đất đai, quy hoạch, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã ghi nhận những đóng góp, tâm huyết của đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong thời gian qua. Các ý kiến sẽ là cơ sở quan trọng để ngành nông nghiệp sớm có những giải pháp tháo gỡ, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả hơn.

Hải Yến/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/day-manh-ket-noi-cung-cau-tieu-thu-nong-san/338619.html