Đẩy mạnh kết nối cung-cầu tín dụng các tỉnh thuộc Khu vực III

Chiều 26/3, tại Sơn La, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh tín dụng ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Khu vực III (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Hòa Bình) dưới sự đồng chủ trì của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La Nguyễn Đình Việt.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hội nghị được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các khu vực nhằm trao đổi, thảo luận các giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đa mục tiêu, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm sự an toàn hệ thống ngân hàng, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu

Theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, Chính phủ đã đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cả nước đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Để đạt được mục tiêu đó, tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 5/2/2025, Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cụ thể cho từng tỉnh, thành phố; trong đó các tỉnh khu vực III đạt từ 8-10,5%; đồng thời Chính phủ đã quyết liệt triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, không để gián đoạn công việc.

Ý thức được nguồn vốn tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn lực quan trọng hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh của xã hội góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, vì vậy, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, riêng đối với công tác tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đổi mới biện pháp điều hành tín dụng. Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, cao hơn các năm trước và ngay cuối năm 2024, đã thông báo công khai chỉ tiêu cho các tổ chức tín dụng để chủ động đáp ứng vốn cho nền kinh tế; đồng thời sẽ chủ động điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thực tế;…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị.

Các giải pháp, điều hành nêu trên đã bước đầu đạt kết quả tích cực. Mặc dù theo quy luật mùa vụ các năm và thời điểm Tết Nguyên đán, tín dụng đầu năm thường giảm, song tăng trưởng tín dụng đầu năm 2025 có dấu hiệu khởi sắc hơn, cụ thể đến 12/3/2025 tín dụng tăng 1,24% so với cuối năm 2024 (cùng kỳ giảm 0,74%).

Khu vực III bao gồm bốn tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, trong đó có 3 tỉnh được quy hoạch thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi phía bắc gồm: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên có nhiều lợi thế về phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, du lịch. Trong đó, Sơn La được xác định là cực tăng trưởng của tiểu vùng; thuộc hành lang kinh tế Điện Biên-Sơn La-Hòa Bình-Hà Nội gắn với tiểu vùng Tây Bắc, kết nối với Lào và các nước ASEAN.

Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực III Trịnh Công Văn cho biết: đến 28/2, trên địa bàn khu vực có 27 tổ chức tín dụng (4 ngân hàng thương mại nhà nước; 7 ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển; 13 quỹ tín dụng nhân dân và 1 tổ chức tài chính vi mô). Mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng trải khắp huyện, thành phố với 54 chi nhánh cấp I, 39 chi nhánh cấp II, 158 phòng giao dịch, 668 điểm giao dịch, 4 xe chuyên dùng lưu động. Toàn địa bàn có 243 máy giao dịch tự động ATM/CDM, 35.500 điểm QR code, ngoài ra còn có 2.583 điểm giới thiệu dịch vụ của 8 công ty tài chính.

Hệ thống ngân hàng tại khu vực đã làm tốt nhiệm vụ huy động để cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp với dư nợ đạt gần 135 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ của vùng trung du và miền núi phía bắc; tập trung nguồn lực tín dụng cho các ngành, lĩnh vực là thế mạnh đặc trưng của vùng: như cho vay nông nghiệp, nông thôn (chiếm hơn 37%/dư nợ vùng), cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm 27% dư nợ vùng). Ngoài ra, các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (chiếm 16% dư nợ vùng) đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khu vực III cần tăng thêm quy mô tín dụng trong năm 2025, có thể lên đến gần 22 nghìn tỷ đồng (trong khi năm 2024 quy mô tín dụng Khu vực III tăng 9.600 tỷ đồng). Đây là một thách thức, đòi hỏi nỗ lực vào cuộc của cả ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà

Chia sẻ tại hội nghị, bà Chử Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La cho biết, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thể tách rời người bạn đồng hành là các ngân hàng, đơn vị cung cấp vốn và các dịch vụ cho doanh nghiệp. Đơn cử như BHL, từ những ngày đầu triển khai dự án doanh nghiệp đã lựa chọn VietinBank Sơn La là đơn vị cung cấp toàn diện các dịch vụ ngân hàng từ vốn vay đầu tư dự án, vốn lưu động cho sản xuất, các dịch vụ bảo lãnh, chuyển tiền, tiền gửi…

Sang năm 2025, công ty đặt mục tiêu mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nông sản. Để đạt được những mục tiêu này, sự đồng hành và hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng rất quan trọng. Doanh nghiệp mong muốn ngân hàng trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp chế biến nông sản, nhất là trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất và phát triển sản phẩm; hỗ trợ các kênh tài trợ thương mại để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu và phát triển thị trường quốc tế…

Đồng hành gỡ rào cản tiếp cận vốn

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trịnh Công Văn cho biết, hoạt động ngân hàng trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn huy động tại chỗ mới đáp ứng được khoảng 84% nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn. Tăng trưởng dư nợ tín dụng đến cuối năm 2024 chỉ đạt 7,6% so với cuối năm 2023 (thấp hơn tốc độ tăng khu vực trung du và miền núi phía bắc 14,4% và toàn quốc 15,09%). Nhiều doanh nghiệp, người dân còn phản ánh gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực III Trịnh Công Văn báo cáo tại hội nghị.

Quyền Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực III Trịnh Công Văn báo cáo tại hội nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La, Giám đốc Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc chia sẻ, mặc dù nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển nhưng cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp tỉnh Sơn La vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đa số các doanh nghiệp của tỉnh có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm gần 97%), vốn sản xuất kinh doanh thấp, tỷ trọng doanh nghiệp trong các nhóm ngành còn mất cân đối, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, dịch vụ nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thế chấp tài sản hoặc không đủ điều kiện vay vốn, dẫn đến sự hạn chế trong mở rộng sản xuất và đầu tư.

“Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, tạo ra những cơ chế, chính sách phù hợp hơn để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn đặc biệt là các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Sơn La bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng mở rộng hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai bởi hiện tại rất ít ngân hàng áp dụng hình thức vay này.

Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, theo Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% (dư nợ tăng thêm 2,5 triệu tỷ đồng so với năm 2024) góp phần đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước (tối thiểu 8%) và 4 tỉnh của Khu vực (8% đến 10,5%) đòi hỏi toàn ngành ngân hàng nói chung và tại Khu vực III nói riêng cần quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc cân đối, bảo đảm “cung” tín dụng, cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, người dân để góp phần thúc đẩy yếu tố “cầu” và đẩy mạnh kết nối cung-cầu tín dụng, kết nối ngân hàng-doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc và có giải pháp xử lý phù hợp.

“Khu vực III cần tăng thêm quy mô tín dụng trong năm 2025, có thể lên đến gần 22 nghìn tỷ đồng (trong khi năm 2024 quy mô tín dụng Khu vực III tăng 9.600 tỷ đồng). Đây là một thách thức, đòi hỏi nỗ lực vào cuộc của cả ngành ngân hàng, sự hợp tác từ khách hàng, doanh nghiệp và sự hỗ trợ tạo điều kiện của hệ thống chính trị”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Trên cơ sở những ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước khu vực thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo nhiệm vụ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao; tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục triển khai tích cực các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp.

Ngoài ra, Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng Hội sở chính và các chi nhánh trên địa bàn quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, chú trọng đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội và các mặt hàng nông sản chủ lực (lâm sản, lúa gạo, rau quả); tranh thủ sự ủng hộ của các địa phương, các Hiệp hội ngành nghề để phát triển tín dụng trên địa bàn.

Đáng chú ý, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu nhưng phải bảo đảm hiệu quả, đúng quy định, bảo đảm an toàn hệ thống, hạn chế nợ xấu phát sinh. Các ngân hàng cần tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cấp tín dụng, áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm tối đa các khoản chi phí chưa cần thiết để tạo nguồn lực giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý; tiếp tục công bố thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng;…

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/day-manh-ket-noi-cung-cau-tin-dung-cac-tinh-thuoc-khu-vuc-iii-post867823.html