Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài nơi phum sóc Đồng bằng sông Cứu Long
Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển sâu rộng trong cộng đồng, phum sóc đồng bào Khmer ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Phum sóc chăm lo khuyến học, khuyến tài
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm trên 31% dân số). Những năm qua công tác khuyến học, khuyến tài được tỉnh đặc biệt quan tâm. Hội Khuyến học Trà Vinh đã phát huy vai trò hội khuyến học các cấp, thực hiện linh hoạt, hài hòa giữa khuyến học, khuyến tài, thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh các hoạt động vận động, quyên góp ủng hộ, giúp đỡ học sinh hoàn cảnh gia đình khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer, nhân rộng mô hình nhận nuôi, đỡ đầu học sinh nghèo hiếu học...
Trường Tiểu học Hàm Giang B (xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, Trà Vinh) duy trì phong trào nuôi heo đất hơn 10 năm qua. Trường nằm trong vùng đồng bào dân tộc, gần 100% học sinh là người Khmer nên tỷ lệ học sinh hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Hàng năm, nhà trường đều phát động các lớp nuôi heo đất, đóng góp hũ gạo tình bạn…
Mỗi dịp Tết và trước khi nghỉ hè, lớp sẽ khui heo đất mua quà tặng học sinh áo mới, gạo, tập sách, quà bánh. Món quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên lớn, giúp các em yên tâm vui Xuân, đón Tết và gắn bó với trường lớp. Thầy Đinh Quốc Cường, giáo viên nhà trường cho biết: Nhờ phong trào thiết thực này mà nhiều học sinh của trường được tiếp sức. Những em hoàn cảnh gia đình khó khăn, có ý định bỏ học giữa chừng được hỗ trợ, yên tâm đi học.
“Thầy cô lo nhất là thời điểm nghỉ hè và nghỉ Tết Nguyên đán, học sinh dễ bỏ học theo gia đình đi làm ăn xa hoặc khó khăn quá sẽ bỏ học giữa chừng. Những ngày giáp Tết, tập thể nhà trường cùng với các lớp sẽ tổ chức đập heo đất, mua áo mới tặng học sinh nghèo và tặng gạo, tặng quà cho các em.
Từ đó quyên góp được hàng trăm kg gạo tặng cho học sinh; hàng chục áo xuân và nhiều suất học bổng. Đây là nguồn động viên lớn giúp các em hoàn cảnh khó khăn vui Xuân, đón Tết và thêm gắn bó với trường lớp, với bạn bè”, thầy Cường chia sẻ.
Với gần 80% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, xã Long Phú (huyện Long Phú, Sóc Trăng) luôn quan tâm, chú trọng phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Đảng ủy, chính quyền xã và người dân quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo cơ sở vật chất trường học cho con em địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ khuyến học và duy trì công tác tuyên dương, khen thưởng học sinh, sinh viên, giáo viên có thành tích tốt nhằm tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển.
Đặc biệt, thông qua các ban, ngành, đoàn thể, xã Long Phú vận động nhân dân tích cực đăng ký xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập… từ đó, lan tỏa sâu rộng phong trào học tập suốt đời, tạo nguồn lực lao động có kiến thức, kỹ năng để xây dựng quê hương.
Là gia đình tiêu biểu nuôi con học giỏi, chăm ngoan của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Long Phú, ông Thạch Sô Pho cho biết: “Vợ chồng tôi tham gia đầy đủ các hoạt động khuyến học, khuyến tài ở địa phương, trang bị đầy đủ sách vở, đồ dùng và động viên con cháu nỗ lực học tập. Nhờ đó, con cháu đều học hành thành tài, chăm ngoan, hiếu thảo, đem trí tuệ, tài năng đóng góp xây dựng quê hương”.
Hội Khuyến học huyện Long Phú luôn quan tâm thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập”… Toàn huyện có trên 8.000 hộ gia đình, hơn 300 dòng họ; 80 cơ quan trường học, 45 khu dân cư được xét công nhận các danh hiệu.
Mỗi năm có hàng nghìn học sinh là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được nhận học bổng, phương tiện, dụng cụ học tập, tạo động lực giúp các em vượt qua khó khăn, yên tâm đến lớp.
Bà Trần Mạnh Thùy Trang - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Long Phú cho biết: Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, bám sát điều kiện thực tiễn của địa phương và phương hướng của cấp trên, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của các xã, thị trấn trong huyện đã và đang phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, lan tỏa đến từng cộng đồng, dòng họ, gia đình, góp phần tích cực để xây dựng Long Phú thành huyện học tập vào năm 2030…
Cả cộng đồng vào cuộc
Bạc Liêu cũng là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua địa phương đã có những chủ trương, chính sách chăm lo cho đồng bào về kinh tế, xã hội, giáo dục, khuyến học... Nhờ đó, đời sống của người dân Khmer trên địa bàn đã có những bước phát triển tích cực.
Đặc biệt, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Bạc Liêu và các chùa Khmer đã có những hoạt động hiệu quả trong việc lo cho con em đồng bào sinh sống nơi có chùa tọa lạc. Nhiều trụ trì chùa Khmer đã tích cực vận động để xây đường, trường lớp, trao học bổng cho học sinh, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.
Tỉnh đã thành lập các chi hội khuyến học trong chùa và phát huy hiệu quả tích cực. Bởi các sư trụ trì là những người có uy tín không chỉ trong đồng bào Khmer, mà còn ở bên ngoài nhà chùa, có thể vận động để chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài của con em địa phương.
Theo đại diện Hội Khuyến học tỉnh Bạc Liêu, việc thành lập Chi hội Khuyến học Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và Tổ Khuyến học ở 22 chùa Khmer trong tỉnh là rất ý nghĩa và cần thiết.
Theo đó, việc thành lập các chi hội, tổ hội nhằm kết nối Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và Trụ trì, Ban quản trị các chùa để tạo sự thống nhất về nhận thức, có nhiều nội dung giải pháp, tạo thêm nhiều kênh trong tuyên truyền, khuyến khích phong trào khuyến học, khuyến tài trong đồng bào dân tộc Khmer.
Nhằm nâng cao phong trào khuyến học, khuyến tài, cộng đồng dân tộc Khmer còn quan tâm bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Dịp hè hàng năm, các địa phương còn tích cực triển khai tổ chức dạy và học chữ Khmer góp phần bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết. Việc dạy và học chữ Khmer được tổ chức tại các điểm chùa, các điểm trường trong vùng có đông đồng bào sinh sống, được bà con đồng tình hưởng ứng.
Bên cạnh đó, ở Cà Mau, trong 2 tháng hè 2023, tỉnh đã triển khai 18 điểm dạy, với 27 lớp, thu hút 481 học sinh theo học. Tập trung nhiều nhất ở các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình… Theo ông Nguyễn Việt Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Kỷ (huyện Thới Bình, Cà Mau), dịp hè hàng năm, trên địa bàn xã đều tổ chức các lớp dạy chữ Khmer cho con em đồng bào. Các sư, Ban quản trị, Ban hoằng pháp chùa Nam Tông Khmer đã hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều về cơ sở vật chất, tạo điều kiện để các em trong khu vực được thuận lợi học tập.
Tại Sóc Trăng, nơi có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhiều nhất cả nước, những năm qua, vào dịp hè nhiều ngôi chùa Khmer mở lớp dạy chữ Khmer, thu hút đông đảo học sinh, con em phật tử tham gia học tập.
Việc học được nhà chùa, các sư tận tình hỗ trợ, những học sinh mới được dạy từ việc nhận biết chữ cái cho đến cách đánh vần. Lớp cao hơn thì học tập đọc, học viết; cao hơn nữa thì học các môn văn hóa như Toán, Văn, Lịch sử… bằng tiếng Khmer. Hoạt động này ngày càng được phụ huynh và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc quan tâm.
Theo Đại đức Lý Phét - Trụ trì chùa Serey Kandal (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), so với những năm trước, mùa Hè năm nay số lượng các em đến chùa học chữ Khmer tăng gấp đôi.
Do đó, nhà chùa cũng bố trí phòng học, sắp xếp thời gian, chia lớp học cho phù hợp theo từng lứa tuổi để giúp các em dễ học và tiếp thu. Việc chăm lo dạy chữ Khmer cho con em phật tử là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, giúp giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc.
Sư Thạch Luyển, tham gia giảng dạy tiếng Khmer tại chùa Giồng Lớn (xã Đại An, huyện Trà Cú, Trà Vinh) cho biết thêm, việc dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau, là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer.
Hàng năm, chùa đều mở lớp dạy ngoài giờ học tiếng Việt ở trường hoặc thời gian nghỉ hè các em muốn học thêm tiếng Khmer thì đến các điểm chùa địa phương.
Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa, các sư còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, về sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử, giúp các em tiếp thu đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðồng bào đều xem việc học tập tiếng nói, chữ viết của dân tộc là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa.
Đồng hành với hoạt động khuyến học, khuyến tài, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục tại địa phương, đóng góp quỹ vì người nghèo, vận động các nhà hảo tâm, đồng bào dân tộc Khmer trong phum, sóc tham gia thực hiện tốt các chương trình an sinh xã hội, các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài tại phum, sóc.
Nhà giáo Nhân dân Lâm Es, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng, có đóng góp lớn trong việc giảng dạy văn hóa Khmer, dạy chữ Pali cho sư sãi các chùa. Mấy chục năm qua, thầy Lâm Es đã đi khắp các nhà trường, các gia đình vận động con em đồng bào Khmer không bỏ học, khuyến khích các gia đình tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, thầy còn tích cực tham gia các phong trào hoạt động xã hội từ thiện, nhất là xây dựng Hội Khuyến học tỉnh, góp phần nâng cao dân trí trong đồng bào Khmer tại tỉnh Sóc Trăng.