Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng để 'gỡ khó' cho sản xuất, tiêu thụ vật liệu xây dựng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vật liệu phát triển nhanh, bền vững, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn. Trong đó, tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

Sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).

Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD đạt 47 tỷ USD

Phát triển bền vững ngành xi măng, sắt thép và VLXD tại nước ta là một trong những vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Với các chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; sự tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, ngành xi măng, sắt thép và VLXD đã có sự phát triển vượt bậc trong 10 năm gần đây.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, xi măng đã được đầu tư với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, đứng tốp đầu thế giới. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay lên đến 500 nghìn tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Gạch ốp lát đã được đầu tư với tổng công suất đạt 831 triệu m2/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 100 nghìn tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).

Sứ vệ sinh đã được đầu tư với tổng công suất đạt 26 triệu sản phẩm/năm. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 25 nghìn tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).

Kính đã được đầu tư với tổng công suất đạt 5.900 tấn thủy tinh/ngày (tương đương 331 triệu m2 kính/năm), đứng trong nhóm 5 nước có sản lượng lớn nhất Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 50 nghìn tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Vật liệu xây không nung đã đầu tư với tổng công suất đạt 12 tỷ viên/năm (viên quy tiêu chuẩn). Tổng mức đầu tư ước tính theo giá trị hiện nay khoảng 12,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 500 triệu USD)…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN. Trình độ công nghệ, tổ chức sản xuất, kinh doanh, môi trường của ngành công nghiệp VLXD Việt Nam đứng tốp đầu trong các nước ASEAN. Chất lượng VLXD Việt Nam bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia. Các nhà máy VLXD, xi măng, sắt thép Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, khắc phục tình trạng thiếu VLXD, xi măng, sắt thép trong xây dựng thời kỳ trước năm 2010.

Hội nghị đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Hội nghị đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và VLXD. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Tuy nhiên hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng khẳng định thời gian tới, để ngành xi măng, sắt thép, VLXD phát triển bền vững, phát huy hiệu quả và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2024, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, cũng như thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, các dự án hạ tầng; đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở

Thủ tướng nêu rõ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vật liệu phát triển nhanh, bền vững, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới là phải rà soát, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách.

Đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển; các công trình ứng phó biến đổi khí hậu.

Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

"Đây là giải pháp căn cơ, toàn diện, nhân văn, có hiệu quả ngay, tạo đồng thuận cao trong xã hội và trong nhân dân", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, tăng tỉ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sử dụng công nghệ gia cố đất bằng xi măng trong xây dựng đường bộ để nâng cao chất lượng, tuổi thọ đường, đồng thời sử dụng nguồn xi măng trong nước. Tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Về các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm.

Thủ tướng cũng chỉ rõ các giải pháp về hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định. Về tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành VLXD cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay .

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất VLXD khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và sử dụng các nguyên liệu thay thế là phế thải của các ngành công nghiệp như tro xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất xi măng.

Bộ Xây dựng nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của WTO.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng giải pháp cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với từng dự án, đoạn tuyến cụ thể, bảo đảm hiệu quả cao nhất và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng yêu cầu và kêu gọi các bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả thực hiện các công việc, không đùn đẩy, không né tránh, tập trung triển khai các các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và giải quyết các đề xuất, kiến nghị tại hội nghị để xử lý, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD trong năm 2024 và để phát triển ngành xi măng, sắt thép, VLXD trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Tuấn Dũng - Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/day-manh-phat-trien-ket-cau-ha-tang-de-go-kho-cho-san-xuat-tieu-thu-vat-lieu-xay-dung-172254.html