Đẩy mạnh tài chính toàn diện tại Việt Nam: Cách tiếp cận chiến lược cho tăng trưởng
Tài chính toàn diện là điều kiện quan trọng để giảm nghèo, ổn định và phát triển ngành tài chính và tăng trưởng kinh tế. Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện mới được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành dự kiến sẽ giúp giảm nghèo và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Tầm quan trọng của tài chính toàn diện
Hòa nhập tài chính có nghĩa là các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng nhiều loại hình dịch vụ tài chính phù hợp, với chi phí chấp nhận được, theo cách an toàn và thuận tiện cho người sử dụng và bền vững cho nhà cung cấp. Một nông dân trồng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long có thể dùng thanh toán kỹ thuật số để nhận tiền bán sản phẩm của mình, gửi tiết kiệm an toàn tại ngân hàng, vay vốn khi cần mua giống và phân bón, hay mua bảo hiểm cây trồng cho trường hợp hạn hán hoặc các sự kiện thời tiết bất lợi khác.
Được tham gia khu vực tài chính chính thức cũng tạo điều kiện để người nông dân đó tránh những sản phẩm tài chính rủi ro và tốn kém của khu vực phi chính thức, như những khoản vay nặng lãi.
Khu vực tài chính có tính chất toàn diện đóng vai trò vừa "bảo vệ" vừa "thúc đẩy" các hộ gia đình và doanh nghiệp. Sử dụng sản phẩm tài chính phù hợp - như thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm - có thể hỗ trợ khả năng chịu đựng về tài chính của các hộ gia đình, góp phần tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phát triển và tạo việc làm.
Ví dụ, theo ước tính trong một nghiên cứu gần đây ở Kenya, cơ hội tiếp cận các sản phẩm thanh toán kỹ thuật số từ năm 2008 đã giúp khoảng 2% hộ gia đình thoát nghèo. Theo một nghiên cứu gần đây của IMF, tỷ lệ tài chính toàn diện cao hơn cũng có mối quan hệ tương quan đến tăng trưởng kinh tế cao hơn và bất bình đẳng thu nhập thấp hơn.
Đẩy nhanh tiến trình tài chính toàn diện đòi hỏi phải có các nỗ lực phối hợp, có mục tiêu và chủ ý của nhiều bên liên quan ở khu vực công và tư nhân. Vì lẽ đó, thật đáng mừng khi được chứng kiến Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy nhận thức cao về tầm quan trọng của tài chính toàn diện trong giảm nghèo và cam kết lâu dài nhằm đẩy nhanh tài chính toàn diện của Chính phủ Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam là một trong khoảng 45 quốc gia trên toàn thế giới đã ban hành chiến lược như vậy.
Lực đẩy công nghệ
Chiến lược của Việt Nam thể hiện sự thay đổi về tư duy và đặt ra lộ trình cải cách tham vọng nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tài chính toàn diện, tạo thuận lợi để áp dụng các mô hình dựa vào công nghệ, bảo vệ người tiêu dùng mạnh mẽ và nâng cao năng lực tài chính của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo kinh nghiệm từ các quốc gia khác, yếu tố chính trong nỗ lực tài chính toàn diện của Việt Nam là công nghệ và tiếp cận theo hướng đổi mới sáng tạo - thường được minh họa bằng thuật ngữ "Fintech" - là những yếu tố có thể được khai thác để vượt qua những trở ngại dẫn đến thiếu tính toàn diện của dịch vụ tài chính từ trước đến nay, như khoảng cách địa lý, chi phí cao, thiết kế sản phẩm không phù hợp, rào cản về giấy tờ và hạn chế về năng lực tài chính.
Các công nghệ kỹ thuật số, như Fintech, cũng là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho làm việc tại nhà, khi mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà hiện đã trở nên thiết yếu trong thời điểm đại dịch Covid-19.
Chẳng hạn, tạo điều kiện nâng cao cạnh tranh và đổi mới sáng tạo thông qua mở cửa thị trường thanh toán bán lẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ phi ngân hàng như các công ty viễn thông và thương mại điện tử có thể giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng và cải thiện thiết kế sản phẩm.
Những cải cách đó đã và đang đem lại tác động to lớn ở Philippines, Trung Quốc, Kenya và những quốc gia khác. Chúng ta cũng phải công nhận rằng mô hình chi nhánh ngân hàng trong bốn bức tường không phải là cách tiếp cận khả thi về kinh tế để đến với nhiều người tiêu dùng ở nông thôn. Những hạ tầng hiện có (chẳng hạn cửa hàng bán lẻ với vai trò đại lý) phải được khai thác để cung cấp những dịch vụ tài chính cơ bản. Những cải cách đó đòi hỏi phải cải thiện về khuôn khổ quy phạm pháp luật cũng như đổi mới sáng tạo và đầu tư của các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính.
Một trọng tâm không kém phần quan trọng trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam là bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Chúng ta vẫn phải cảnh giác và phải nhận thức được những rủi ro hiện hữu trong các sản phẩm tài chính kỹ thuật số và Fintech, đặc biệt khi có hàng triệu người tiêu dùng - phần đông đều có trình độ tài chính và kỹ thuật số ở mức thấp - lần đầu được tham gia khu vực tài chính chính thức.
Chúng ta phải công nhận rằng mô hình chi nhánh ngân hàng trong bốn bức tường không phải là cách tiếp cận khả thi về kinh tế để đến với nhiều người tiêu dùng ở nông thôn.
Những rủi ro đó có thể thể hiện qua nhiều hình thức như gian lận trong các nền tảng cho vay giữa cá nhân với cá nhân (P2P) hay nợ quá cao khi vay tín dụng kỹ thuật số. Cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính vững chắc đòi hỏi phải có nền tảng pháp lý mạnh, tăng cường năng lực giám sát của các cơ quan quản lý tài chính, vận dụng sáng tạo dữ liệu và công nghệ giám sát để xác định, theo dõi và xử lý rủi ro phát sinh với người tiêu dùng. Nhưng quan trọng nhất là phải có cơ chế có khả năng thích ứng với môi trường thay đổi liên tục như Fintech nhằm khai thác an toàn tiềm năng của công nghệ trong quá trình đẩy mạnh hòa nhập tài chính.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam đã xác định vai trò rõ ràng nhưng hạn chế của chính phủ trong nỗ lực về tài chính toàn diện, đúng với thông lệ tốt trên quốc tế. Vai trò phù hợp của chính phủ là tạo môi trường thuận lợi cho tài chính toàn diện - bao gồm cơ chế điều phối, chính sách chung, môi trường quy phạm pháp luật, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông mang tính hỗ trợ cho lĩnh vực tài chính - đồng thời phải khắc phục được những thất bại thị trường (nếu có) sao cho các nhà cung cấp có thể phục vụ những người chưa được phục vụ đầy đủ theo hướng khả thi về kinh tế.
Chức năng tối quan trọng của Chính phủ là tạo ra khuôn khổ quy phạm pháp luật nhằm vạch ra quy tắc tham gia thị trường rõ ràng; đồng thời, tạo sân chơi bình đẳng, cởi mở và công bằng cho các thành viên thị trường, có cân nhắc về những rủi ro liên quan và năng lực giám sát, như đã nêu trong các nguyên tắc chính về tài chính toàn diện kỹ thuật số của nhóm G-20.
Để chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của Việt Nam được triển khai thành công, yêu cầu đặt ra là phải có sự phối hợp hiệu quả và bền vững giữa các bên liên quan và phải xây dựng được hệ thống theo dõi và đánh giá mạnh. Chúng ta không nên chờ đến năm 2025 hay 2030 để biết được các nỗ lực triển khai có hiệu quả hay không. Cần có hệ thống hạ tầng dữ liệu toàn diện về tài chính toàn diện, dựa trên dữ liệu về cung và cầu, để theo dõi tiến độ, xác định trở ngại và thể hiện những điển hình thành công. Hệ thống theo dõi và đánh giá hiệu quả cũng là công cụ mạnh để điều chỉnh hướng đi trong quá trình thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Ngân hàng Thế giới nhìn nhận hòa nhập tài chính là yếu tố quan trọng để tạo điều kiện mở rộng hòa nhập xã hội và giảm nghèo, đồng thời tự hào là đối tác cho mục tiêu đẩy mạnh hòa nhập tài chính tại Việt Nam. Chúng tôi luôn sẵng sàng hỗ trợ quá trình triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.