Đẩy mạnh xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết tháng 6-2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức từ Trung ương đến địa phương phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang Võ Minh Trung.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang Võ Minh Trung.

Đồng chí Võ Minh Trung - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Kiên Giang xác định việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số là nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của tỉnh năm 2025.

Thời gian qua, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã như Quyết định số 376/QĐ-UBND, ngày 14-2-2025 về việc phân công thực hiện chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang năm 2025; Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 14-2-2025 về việc thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP, ngày 9-2-2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 76/KH-UBND, ngày 20-3-2025 về việc chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang năm 2025.

Công tác triển khai thực hiện thời gian qua trên địa bàn tỉnh đạt một số kết quả sau:

Về tình hình xử lý văn bản, hồ sơ công việc của cán bộ, công chức, viên chức trên môi trường mạng: Đối với phần mềm văn phòng điện tử được sử dụng trong các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn có tổng số 7.736 tài khoản, 3.845 người dùng trên thiết bị di động, phục vụ việc gửi, nhận, xử lý văn bản của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, đáp ứng đầy đủ các tính năng, chức năng đảm bảo theo quy định hiện hành. Đặc biệt hệ thống tích hợp ứng dụng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo việc ký số trên văn bản điện tử mà không phụ thuộc vào không gian, thời gian làm việc. Theo kết quả thống kê năm 2024, hệ thống xử lý 612.745 văn bản đến và phát hành 239.376 văn bản đi, tỷ lệ văn bản được ký số là 82,89%.

Về việc xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp trên môi trường mạng: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh phục vụ tốt cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường mạng. Hệ thống cung cấp 1.833 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và dịch vụ cung cấp thông tin; đồng thời được công khai, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo kết quả thống kê năm 2024, hệ thống tiếp nhận và xử lý 432.974 hồ sơ, trong đó 307.411 hồ sơ thực hiện trực tuyến, tỷ lệ giải quyết đúng hạn 98,52%.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xử lý văn bản trên hệ thống phần mềm điện tử.

Cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xử lý văn bản trên hệ thống phần mềm điện tử.

Về việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước: Hiện 100% tổ chức và trên 90% công chức trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được cấp 8.781 chứng thư chữ ký số, trong đó có 8.074 chứng thư chữ ký số cá nhân và 707 chứng thư chữ ký số của tổ chức. Hệ thống phần mềm văn phòng điện tử và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được tích hợp chữ ký số, đảm bảo cán bộ, công chức, viên chức có thể xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường mạng.

Việc triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số mang lại nhiều lợi ích đối với người dân, doanh nghiệp, cụ thể như giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và in ấn giấy tờ khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch trên môi trường mạng, giúp người dân, doanh nghiệp dễ theo dõi tiến độ giải quyết và nhận kết quả giải quyết điện tử thông qua việc ứng dụng chữ ký số của cơ quan nhà nước. Người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi, kể cả ngoài giờ hành chính (không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính).

Các mục tiêu cụ thể của tỉnh Kiên Giang đặt ra năm 2025 100% văn bản, hồ sơ công việc tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và 90% cấp xã được xử lý trên môi trường mạng không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật; 100% văn bản của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được ký số.

- Phóng viên:Tỉnh đặt ra mục tiêu cụ thể nào trong việc xử lý hồ sơ công việc hoàn toàn trên môi trường mạng và lộ trình thực hiện?

- Đồng chí Võ Minh Trung: Đối với xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tỉnh đặt ra mục tiêu: 100% hồ sơ, thủ tục hành chính được cập nhật, xử lý trên môi trường mạng và đồng bộ lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 80% hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được xử lý toàn trình; 80% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa hồ sơ; 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp kết quả điện tử. UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện từ đầu năm 2025, đảm bảo việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả trên toàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu đã đề ra.

- Phóng viên: Những khó khăn trong việc sử dụng chữ ký số và giải pháp khắc phục, thưa đồng chí?

- Đồng chí Võ Minh Trung: Việc sử dụng chữ ký số trong giải quyết công việc tại Kiên Giang mang lại nhiều kết quả khả quan và tích cực nhưng vẫn còn gặp một số khó khăn như trang thiết bị ở một số cơ quan, địa phương đôi lúc còn thiếu, hỏng chưa trang bị, thay thế kịp thời. Người đứng đầu ở một vài địa phương, đơn vị chưa quyết tâm cao trong chỉ đạo cũng như trực tiếp thực hiện việc xử lý công việc trên môi trường mạng. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chưa quen thao tác khi ứng dụng chữ ký số, ngại thay đổi thói quen làm việc truyền thống.

Trước những khó khăn đó, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp như tổ chức các lớp tập huấn thực hành trực tiếp, hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng các phần mềm của tỉnh, đặc biệt là ứng dụng chữ ký số trong xử lý công việc. Thường xuyên kiểm tra, nâng cấp, bổ sung các tính năng phần mềm, đảm bảo thuận tiện cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sử dụng. Tham mưu UBND tỉnh trong việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị kịp thời cho các sở, ngành, địa phương. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, cổng thông tin điện tử, mạng xã hội để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số.

- Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả triển khai Nghị định số 23/2025/NĐ-CP của Chính phủ thời gian tới, Kiên Giang có những định hướng, giải pháp gì?

- Đồng chí Võ Minh Trung: Để nâng cao hiệu quả triển khai Nghị định số 23/2025/NĐ-CP của Chính phủ, tỉnh xác định việc đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu là yêu cầu then chốt. Tỉnh từng bước nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp bảo mật hiện đại như hệ thống tường lửa, phần mềm chống mã độc, giải pháp chống thất thoát dữ liệu, giám sát an toàn mạng. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, đánh giá định kỳ rà quét, đánh giá về an toàn thông tin các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh; đảm bảo việc sử dụng chữ ký số được thực hiện đúng quy định và an toàn tuyệt đối.

Tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức. Hàng năm, tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn thực hành sử dụng chữ ký số, xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng phù hợp với trình độ của từng cấp, ngành. Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, thường xuyên tổ chức hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở, hỗ trợ kỹ thuật từ xa để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình xử lý công việc trên môi trường mạng.

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ tin cậy, đảm bảo việc tích hợp chữ ký số vào các hệ thống phần mềm quản lý, dịch vụ công trực tuyến được thực hiện đồng bộ, thuận tiện và dễ sử dụng. Song song đó, tỉnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của chữ ký số, nhằm thay đổi tư duy làm việc từ thủ công sang điện tử trong toàn bộ hệ thống chính quyền. Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh hướng tới xây dựng chính quyền số, công dân số và xã hội số trong giai đoạn chuyển đổi số toàn diện.

- Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

TÂY HỒ - TÚ QUYÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/dan-hoi-chinh-quyen-tra-loi/day-manh-xu-ly-ho-so-cong-viec-tren-moi-truong-mang-va-su-dung-chu-ky-so-26260.html