Đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực đô thị

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước quản lý chuyên môn trong lĩnh vực đô thị còn khoảng cách khá lớn so với yêu cầu. Khoảng cách này cần rút ngắn trong thời gian sớm nhất

Ngày 21-8, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức hội thảo khoa học hiện trạng chuyển đổi số (CĐS) trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP HCM.

Còn sự chênh lệch

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhìn nhận thành phố có sự CĐS mạnh mẽ thời gian qua. Ông An mong muốn thông qua hội thảo này làm rõ hơn bức tranh toàn cảnh, từ đó đánh giá, đề xuất giải pháp nâng điểm và nâng hạng CĐS của TP HCM.

Hội thảo nhận nhiều ý kiến đóng góp giá trị

Hội thảo nhận nhiều ý kiến đóng góp giá trị

Bà Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), đại diện nhóm nghiên cứu đề tài về hiện trạng CĐS trong công tác quản lý đô thị trên địa bàn thành phố, nhìn nhận Chỉ số đánh giá CĐS (DTI) của thành phố có sự cải thiện qua các năm.

Cụ thể, tăng từ hạng 5 trong năm 2020 lên hạng 3 năm 2021 và hạng 2 năm 2022. Năm 2023, thành phố tiếp tục giữ vị trí thứ 2, cũng năm này, lần đầu TP HCM triển khai đánh giá chỉ số CĐS của các sở, ban, ngành và địa phương.

Phân tích từ kết quả đánh giá, xếp hạng TP HCM theo Bộ chỉ số DTI năm 2022 và kết quả đánh giá, xếp hạng TP HCM các sở ngành và các địa phương cấp huyện trên địa bàn theo Bộ chỉ số HCM DTI năm 2023, nhóm nghiên cứu nhận thấy mức độ CĐS của cơ quan nhà nước trên địa bàn TP HCM trong công tác quản lý đô thị, có sự khác nhau.

Bà Lan cho biết xét theo khu vực nội thành hiện hữu, nội thành phát triển và ngoại thành, kết quả đánh giá năm 2023 cũng cho thấy hầu hết các quận thuộc nội thành hiện hữu đều đạt từ 70% trở lên (trừ quận Tân Phú), các huyện ngoại thành chỉ đạt 50%-60% (trừ huyện Bình Chánh).

Còn cơ quan nhà nước quản lý chuyên môn trong lĩnh vực đô thị, nhóm nghiên cứu chọn Sở Giao thông Vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để phân tích. Kết quả xếp hạng CĐS của 4 sở là 15/31, 26/31, 14/31 và 12/31 cho thấy còn khoảng cách lớn so với yêu cầu chuẩn Bộ chỉ số CĐS của TP HCM. Chỉ số Nhân lực số (liên quan đến việc công chức, viên chức được phân công phụ trách, kiêm nhiệm và được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động CĐS và an toàn thông tin mạng) vẫn chiếm phần nhỏ so với yêu cầu ở cả 4 sở.

Tham khảo để hoàn thiện

Hiện nay, Trung tâm CĐS TP HCM đang xây dựng Bản đồ số TP HCM (HCMC OneMap) trên cơ sở các lớp dữ liệu của cơ sở dữ liệu nền địa lý 1/2.000; 1/5.000 do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố thực hiện dưới dạng dữ liệu vector. Đại diện Tổ công tác CĐS TP HCM cho biết HCMC OneMap được coi là bản đồ nền của TP HCM trên môi trường số và cùng với cơ sở dữ liệu nền địa lý 1/2.000, 1/5.000 đã đóng góp nhiều trong CĐS của thành phố.

Ở góc độ địa phương, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Phòng Khoa học và Công nghệ thông tin TP Thủ Đức, cho biết TP Thủ Đức đã có CĐS tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý đô thị.

Điển hình là Cổng thông tin quy hoạch và cấp phép xây dựng và hệ thống thụ lý nội nghiệp cấp phép xây dựng. Từ cổng này, công tác cấp phép xây dựng, cấp số nhà, cấp phép đào đường trực tuyến; công khai thông tin quy hoạch trực tuyến… được triển khai hiệu quả.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng triển khai thực hiện mô hình thí điểm xây dựng "Khu phố thông minh" tại UBND 5 phường.

Tại hội thảo, TS Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ kinh nghiệm CĐS của tỉnh. Theo TS Cường, tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa chiến lược "4 không 1 có" là làm việc không giấy tờ, dịch vụ công không gặp mặt, họp không tập trung, thanh toán không tiền mặt và có dữ liệu số.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cũng thông tin nhiều kết quả trong CĐS ở địa phương. Đó là thí điểm triển khai Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC); xây dựng nền tảng quy hoạch không gian (SPP) phục vụ công tác quản lý quy hoạch đô thị, ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; quản lý giao thông thông minh...

Về kinh nghiệm, theo ông Nguyễn Khánh Tùng, là tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các đơn vị tư vấn, Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy vận hành của Trung tâm IOC; đẩy nhanh tiến độ triển khai cơ sở dữ liệu; hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao…

Hiệu quả trong ra quyết định

Một trong nhiều điển hình CĐS, thông tin tại hội thảo cho hay đó là hệ thống quản lý thông tin trên địa bàn TP Thủ Đức cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực như giao thông, quy hoạch, tài nguyên môi trường… Hệ thống này giúp cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan sử dụng chung một nền tảng dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác tham chiếu, xem thông tin, tìm kiếm, thống kê, báo cáo, ra quyết định được nhanh chóng.

Hiện nay, hệ thống đã thu thập được 157/392 lớp dữ liệu sử dụng cho các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan và công bố được 45 lớp dữ liệu cho người dân sử dụng thông qua website hoặc app "Thành phố Thủ Đức".

Bài và ảnh: NGUYỄN PHAN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/day-nhanh-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-do-thi-196240821205924857.htm