Đẩy nhanh công tác biên soạn, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa
Thực hiện chủ trương xã hội hóa, tránh độc quyền, thời gian qua, có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến nay, sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đã được phê duyệt và sử dụng trong các trường phổ thông; sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 đang được thẩm định; sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 đang biên soạn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường các giải pháp kiểm soát quá trình biên soạn nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng sách giáo khoa.
Xuất bản sách giáo khoa là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các nhà xuất bản. Thực tế thời gian qua cho thấy, chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân là các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục tham gia vào quá trình biên soạn.
Cụ thể, có sáu nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa môn học, hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở các khối, lớp, bao gồm: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Đại học Vinh, Nhà xuất bản Đại học Huế.
Cùng với đó, có ba tổ chức biên soạn sách giáo khoa, bao gồm: Công ty cổ phần Phát triển giáo dục Việt Nam VPBOX, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam VEPIC, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xuất bản giáo dục Việt Nam VICTORIA.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa cho 6 khối lớp: Lớp 1: 221 tác giả, lớp 2: 199 tác giả, lớp 3: 234 tác giả, lớp 6: 276 tác giả, lớp 7: 318 tác giả, lớp 10: 382 tác giả. Các tác giả đều đã được tập huấn về biên soạn sách giáo khoa và đạt tiêu chuẩn cá nhân viết sách theo quy định tại Thông tư số 33. Hơn hai phần ba số tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa có trình độ từ tiến sĩ trở lên.
Đáng chú ý, vấn đề lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa mới một cách hiệu quả, tránh lãng phí cũng được ngành giáo dục quan tâm. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Đỗ Văn Lợi cho biết, từ đầu năm học, sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục về quy trình lựa chọn sách.
Sau khi được tập huấn, các trường xây dựng kế hoạch lựa chọn, phân công các thành viên tham gia từng nhiệm vụ cụ thể. Các tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên nghiên cứu chương trình các môn học để lựa chọn các bộ sách giáo khoa phù hợp về quan điểm, mục tiêu xây dựng chương trình, yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học...
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang, khi xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa, sở đã chi tiết hóa vai trò, nhiệm vụ của từng cá nhân, tổ chức, cơ quan. Mỗi giáo viên trong toàn tỉnh đều có vai trò trong việc đóng góp ý kiến của cá nhân vào việc lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp với bộ môn, đơn vị và của tỉnh. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh đã cử những giáo viên giỏi, tâm huyết để việc lựa chọn sách được khách quan, phù hợp tình hình đặc điểm của mỗi địa phương.
Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng để biên soạn, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng, các nhà xuất bản khi biên soạn sách giáo khoa cần tính toán sách có thể sử dụng được nhiều lần và có phương án cung ứng kịp thời, đầy đủ số lượng để đáp ứng nhu cầu của người học.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thống nhất trong việc tổ chức dạy học, nhất là thứ tự thực hiện các chủ đề của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục và có cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các nhà xuất bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình biên soạn, xuất bản, góp phần nâng cao chất lượng sách và giảm giá thành.
Đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì cho rằng, bên cạnh những thành công, công tác đổi mới sách giáo khoa lần này cũng còn không ít vấn đề tồn tại, hạn chế đang được khắc phục. Sách giáo khoa được coi là hàng hóa đặc thù, có tác động tới tâm lý và dư luận xã hội, cho nên cần có những quyết sách để ổn định, trong đó có những quyết sách về việc tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế, thẩm định, phát hành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tăng cường kiểm soát ngay từ việc lựa chọn tác giả, biên soạn và thực nghiệm bài dạy minh họa bảo đảm tiến độ, chất lượng; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thẩm định và phê duyệt, dành thời gian để các địa phương nghiên cứu, lựa chọn sách đáp ứng với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản liên quan đến triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tăng cường hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa, tập huấn hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm linh hoạt, hiệu quả; giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, bảo đảm chủ động tiến độ chuẩn bị sách giáo khoa theo đúng lộ trình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm tra việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa; giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa để nâng cao chất lượng sách góp phần thực hiện tốt việc đổi mới giáo dục ■