Đẩy nhanh đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Qua đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế, hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quan tâm đầu tư các cụm công nghiệp

Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 29-3-2023, trên địa bàn tỉnh có 14 CCN với tổng diện tích 669ha. Đến nay, có 9 CCN được thành lập với tổng diện tích hơn 362,6ha (7 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích gần 278,4ha; 2 CCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh quản lý với tổng diện tích gần 84,3ha). Trong đó, 6 CCN đã đi vào hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 78%; 3 CCN đã thành lập nhưng chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. Các CCN đang hoạt động có 80 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.440 lao động tại các địa phương.

Cụm Công nghiệp Trảng É

Cụm Công nghiệp Trảng É

Ông Nguyễn Sanh Đương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh còn 5 CCN chưa được thành lập với tổng diện tích hơn 196,8ha. Nhằm đẩy mạnh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư thứ cấp, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào các CCN trên địa bàn. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN đã thành lập, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, di dời các cơ sở sản xuất vào CCN, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đáp ứng mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng CCN, dự án đầu tư thứ cấp vào các CCN theo quy hoạch đã được duyệt để sớm đưa vào vận hành.

Tăng cường thu hút các nhà đầu tư thứ cấp

Theo kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN đã được thành lập, như: Diên Thọ (huyện Diên Khánh), Trảng É 2 (huyện Cam Lâm), Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa) để sớm khởi công xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; phấn đấu đến cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng đối với các CCN này.

Cụm Công nghiệp và Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích còn nhiều diện tích chưa lấp đầy.

Cụm Công nghiệp và Chăn nuôi Khatoco Ninh Ích còn nhiều diện tích chưa lấp đầy.

Kế hoạch cũng đặt mục tiêu tăng cường thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cụ thể: CCN Sông Cầu (huyện Khánh Vĩnh) phấn đấu đạt khoảng 45%; CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích (Ninh Hòa) đạt khoảng 75% trong năm 2024. Đồng thời, sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN đã thành lập (gồm: Công trình giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, cấp nước, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn, phòng cháy, chữa cháy, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ hoạt động chung của CCN); 100% CCN có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển CCN phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp về thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; quan tâm công tác bảo vệ môi trường, nguồn lao động…

Theo ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư CCN trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển CCN; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của các chủ đầu tư CCN để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư CCN, các nhà đầu tư thứ cấp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư tại CCN. Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy các khu vực đã hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dự án tại các CCN trên địa bàn tỉnh theo quy định; giám sát thực hiện cam kết tiến độ hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tiến độ thi công CCN đã có quyết định thành lập... đảm bảo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh; tham mưu xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển CCN trên địa bàn; tăng cường triển khai các đề án khuyến công, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/dua-nq09-vao-cuoc-song/202405/day-nhanh-dau-tu-ha-tang-cum-cong-nghiep-c8e55cc/