Đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông trọng điểm ở 2 đầu đất nước
Bộ Giao thông vận tải mới báo cáo Chính phủ về tiến độ giải phóng mặt bằng, tình hình thi công 2 dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; cũng như thông tin về việc thí nghiệm, quan trắc, đánh giá nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để từng bước tháo gỡ khó khăn về vật liệu; góp phần đảm bảo tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2...
Tổng mức đầu tư hơn 153 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), dự án đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao mặt bằng được 58,4/76,34 km (đạt 77%). Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã bàn giao được 44,1/47,1 km (đạt 93%); Đồng Nai mới bàn giao 1/11,3 km (đạt 9%); Bình Dương bàn giao 7/11,3 km (đạt 62%); Long An bàn giao 6,2/6,4 km (đạt 98%).
Dự án được khởi công ngày 18/6/2023, dự án đã triển khai thi công 9/22 gói thầu xây lắp cần tổng vật liệu khoảng 1,6 triệu m3 đất; 7,2 triệu m3 cát đắp; 1,5 triệu m3 cát xây dựng; 4,4 triệu m3 đá. Đến nay, nhu cầu vật liệu đất đắp, đá đã xác định đủ nguồn cung. Riêng nhu cầu cát đắp nền và cát xây dựng mới xác định nguồn cung đáp ứng 80% nhu cầu, cần tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong khu vực để rà soát, điều phối nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ dự án.
Tín hiệu đáng mừng
“Đáng mừng là đã thử nghiệm trên 1 số tuyến, đoạn tuyến đường bộ, đường tránh, sử dụng thay thế 100% cát thông thường, qua theo dõi quan trắc tiêu chí về lý hóa phù hợp với môi trường.
Về vấn đề chịu tải của cát biển khi làm vật liệu đắp nền đường hiện vẫn đang tiếp tục quan trắc từ nay đến cuối năm nhưng kết quả ban đầu khá là khả quan bởi chỉ riêng Sóc Trăng là 14 tỷ m3 cát biển” - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết thêm”.
Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, cũng theo Bộ GTVT, hiện đã bàn giao mặt bằng được 88,87/108,1 km (đạt 82%). Cụ thể, thành phố Hà Nội bàn giao 47,17/58,2 km (đạt 81%), Hưng Yên bàn giao 16,1/19,3 km (đạt 83,4%) và Bắc Ninh đã bàn giao 25,6/30,6 km (đạt 83,6%).
Đề cập đến công tác xây lắp, dự án thành phần 2.1 đầu tư xây dựng đường đô thị với chiều dài 58,2 km do thành phố Hà Nội làm cơ quan chủ quản và được khởi công ngày 25/6/2023, nhà thầu mới huy động máy móc thiết bị, dọn dẹp mặt bằng, làm đường công vụ, thiết kế bản vẽ thi công. Còn dự án thành phần 2.2 đầu tư xây dựng đường đô thị có chiều dài 19,3 km do tỉnh Hưng Yên làm cơ quan chủ quản và dự án thành phần 2.3 đầu tư xây dựng đường đô thị dài khoảng 35,3 km do tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Riêng dự án thành phần 3 đầu tư xây dựng đường cao tốc chiều dài khoảng 112,8km theo phương thức đối tác công - tư (PPP), chính quyền thành phố Hà Nội đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định, phê duyệt.
Về nhu cầu vật liệu của dự án, tổng nhu cầu vật liệu đất đắp nền khoảng 5,22 triệu m3 và 7,1 triệu m3 cát đã khảo sát xác định đủ nguồn cung cấp từ 57 mỏ tại địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ.
Thí điểm đắp nền đường bằng cát biển
Song song với việc đẩy nhanh tiến độ 2 dự án nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu cát đắp nền đường cho các dự án giao thông, đặc biệt là các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Các đơn vị đã tổ chức thi công thử nghiệm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc Dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. Hiện đoạn đường đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 8/2023, đang trong quá trình quan trắc, đánh giá.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã hoàn thành công tác xây dựng định mức khai thác, vận chuyển và thi công cát biển làm vật liệu đắp nền đường, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan làm cơ sở áp dụng.
Đến nay, qua kết quả thí nghiệm, quan trắc, đánh giá (đã thực hiện được 5 kỳ) cho thấy, nền đường đoạn thí điểm ổn định, các thông số môi trường của nước mặt, nước ngầm, các chỉ tiêu kim loại nặng trong đất chưa có biểu hiện về tăng độ mặn cũng như sự lan truyền trong nước mặt, nước ngầm và đất quanh khu vực thi công.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quan trắc, đánh giá, dự kiến sẽ có kết quả đánh giá vào cuối năm 2023. Bộ GTVT cho rằng nếu kết quả nghiên cứu thành công, đây sẽ là nguồn vật liệu cho các dự án trong khu vực ĐBSCL.
Trước đó, báo cáo tiến độ triển khai công tác thí điểm lấy cát biển làm vật liệu thi công nền đường, đại diện Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GTVT) cho biết hiện, các quy trình thủ tục đang được các bên liên quan rốt ráo triển khai, dự kiến nếu thuận lợi, đến trung tuần tháng 12/2023, hội đồng thẩm định sẽ xem xét, đánh giá kết quả thí điểm cát biển làm vật liệu thi công hạ tầng giao thông một cách toàn diện./.