ĐBQH Bắc Kạn đề nghị có thêm chính sách ưu tiên cho phụ nữ trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi)

Sáng 07/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành.

 Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này đã sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của Luật Việc làm hiện hành về hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm; đăng ký lao động trong tình hình mới; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ việc làm trong bối cảnh già hóa dân số, việc làm chất lượng, bền vững. Không những vậy, việc sửa đổi Luật lần này còn nhằm góp phần đưa chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.

Đồng chí Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã tham gia thảo luận góp ý vào các nội dung cụ thể liên quan đến các chính sách của Nhà nước về việc làm trong dự thảo Luật.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung thêm nội dung “sử dụng nhiều lao động tại địa phương vùng nông thôn, miền núi nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động khu vực nông thôn, miền núi; hạn chế tình trạng di cư lao động từ khu vực nông thôn, miền núi đến nơi đô thị, gây thiếu hụt lao động cục bộ.

Quan tâm đến chính sách vay vốn hỗ trợ tạo việc làm đối với phụ nữ và người cao tuổi, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ hoặc có số lao động nữ chiếm trên 50%”“người lao động là người cao tuổi”, để tạo điều kiện cho những đối tượng này được tiếp cận gần hơn với nguồn vốn giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách, chế độ, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của phụ nữ, người cao tuổi trong lĩnh vực việc làm phù hợp với khả năng và nhu cầu.

Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng người lao động là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thuộc đối tượng được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò giới, cũng như khả năng tiếp cận với nghề nghiệp, thúc đẩy chính sách về bình đẳng giới.

Từ thực tiễn, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với nhiều hình thức, đối tượng khác nhau, như đối với lao động nông thôn trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo chưa cao, chưa đạt mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm một cách bền vững. Do đó, đề nghị sửa đổi quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn theo hướng Hỗ trợ đào tạo nghề để tự tạo việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng tại địa phương”, có như vậy mới thu hút được các doanh nghiệp đầu tư tại các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa...

Theo chương trình Kỳ họp, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua trong ngày 11/6/2025./.

Ái Vân

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/dbqh-bac-kan-de-nghi-co-them-chinh-sach-uu-tien-cho-phu-nu-trong-du-thao-luat-viec-lam-sua-doi-post70642.html