ĐBQH băn khoăn đề xuất áp thuế 5% với phân bón, lo nông dân bị thiệt

Dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi đưa ra quy định áp thuế suất 5% với các mặt hàng phân bón… song qua thảo luận, nhiều ĐBQH băn khoăn, đề nghị cân nhắc kỹ để tránh 'thu của người nghèo'...

ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu thảo luận

ĐBQH Trần Văn Lâm phát biểu thảo luận

Chiều nay, 24-6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thuế GTGT (hay còn gọi là VAT) sửa đổi. Dự thảo luật đưa ra nhiều đề xuất, quy định mới, tuy nhiên qua thảo luận, nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm nhất là quy định về áp thuế phân bón.

Cụ thể, dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi lần này đã chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế suất 5%.

Đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) phát biểu, đây là vấn đề mà ông có rất nhiều băn khoăn và “kính mong Quốc hội thận trọng xem xét”.

Theo ông Lâm, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khu vực vô cùng quan trọng, luôn là trụ đỡ khi nền kinh tế và đất nước khó khăn. Nhưng đây cũng là đối tượng yếu thế trong kinh tế thị trường, luôn cần ưu tiên chăm lo, bảo vệ, hỗ trợ như trong các Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ đã xác định.

“Việc tăng thuế VAT sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khu vực này: làm tăng giá vật tư đầu vào, tăng chi phí, giá thành, giảm tính cạnh tranh của nông sản; giảm thu nhập nông dân, tác động xấu đến khu vực nông thôn” - đại biểu tỉnh Bắc Giang nêu quan điểm.

Phân tích rõ hơn, đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, với đề xuất áp thuế như dự luật, cần xem xét đầy đủ dựa trên mối quan hệ của 3 chủ thể: Nhà nước - doanh nghiệp - nông dân.

Cụ thể, nếu tăng thuế, doanh nghiệp sẽ có lợi do được khấu trừ đầu vào, cấu phần giá thành giống hàng nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh so với hàng nhập khẩu. Đối với nhà nước, tăng thuế sẽ giúp tăng thu ngân sách, ước tính tăng thu lên tới trên 6.300 tỷ đồng/ năm. Nhưng áp thuế 5%VAT này lại thu từ người nông dân sử dụng hàng đó, nên người nông dân thiệt.

ĐBQH Trịnh Xuân An nêu quan điểm khác với ĐB Trần Văn Lâm

ĐBQH Trịnh Xuân An nêu quan điểm khác với ĐB Trần Văn Lâm

“Do đặc thù nông nghiệp nước ta chủ yếu là sản xuất nông hộ, nhỏ lẻ, không đủ điều kiện hạch toán để khấu trừ VAT đầu vào nên hầu như toàn bộ 5% VAT này sẽ cấu phần vào và làm tăng giá thành nông sản; giảm cạnh tranh, giảm thu nhập của nông nghiệp, nông dân” – đại biểu Lâm phân tích thêm.

Từ đó, đại biểu cho rằng, không nên chuyển các mặt hàng phân bón, vật tư, máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ nông nghiệp và tàu cá đánh bắt xa bờ sang đối tượng chịu thế VAT.

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng này cạnh tranh bình đẳng trên sân nhà với sản phẩm cùng loại nhập khẩu là cần thiết. Nhưng không nên đẩy trách nhiệm này cho nông nghiệp, nông dân. Không nên thu của người nghèo, trả cho người giàu” – đại biểu nói.

Ngược lại, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, cần thiết xây dựng các tiêu chí để xác định mặt hàng nào không chịu thuế. Theo ông, đây là dự án Luật thuế liên quan đến 25% thu ngân sách, liên quan đến mọi đối tượng, do đó cần có một sắc thuế trung lập, khách quan để xây dựng nền tảng tài chính vững mạnh.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng nêu quan điểm, việc Chính phủ đề xuất mức thuế 5% đối với mặt hàng phân bón và các mặt hàng nông nghiệp là có cơ sở, cần đánh giá nhiều chiều và phân tích thấu đáo. Còn để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp thì cần nhiều phương án, chính sách khác nhau.

“Chúng ta cần lựa chọn một giải pháp phù hợp. Đề nghị Chính phủ cần thiết xây dựng các tiêu chí, xác định rõ xem mặt hàng nào là không chịu thuế, mặt hàng nào là 0%, mặt hàng nào là 10%” - đại biểu Trịnh Xuân An nêu rõ.

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận

ĐBQH Hoàng Văn Cường thảo luận

Cũng tham gia phát biểu tại Quốc hội chiều nay, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi Luật Thuế GTGT để phù hợp với những thay đổi trong tình hình mới.

Tuy nhiên ông cho rằng, việc sửa đổi luật lần này không nên đặt mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước. Lý do vì thuế GTGT là thuế áp dụng đối với người tiêu dùng, không phải đối với người sản xuất. Tuy nhiên, khi giá hàng hóa tăng lên, mức tiêu thụ hàng hóa sẽ giảm, từ đó ảnh hưởng đến người sản xuất, đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực sản xuất.

“Để phục hồi kinh tế, trong 02 năm qua nhà nước đã phải giảm thuế mới kích thích được sản xuất. Do đó, không nên tăng thu ngân sách bằng việc điều chỉnh thuế GTGT mà có thể nghiên cứu thuế tài sản và thuế bảo vệ môi trường” – ĐB đoàn Hà Nội đề xuất.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dbqh-ban-khoan-de-xuat-ap-thue-5-voi-phan-bon-lo-nong-dan-bi-thiet-post580679.antd