ĐBQH Cầm Thị Mẫn tham gia góp ý về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)
Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Tòa nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi).
Tham gia góp ý, đại biểu Cầm Thị Mẫn, ĐBQH chuyên trách thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi). Theo đó, tờ trình đã nêu đầy đủ nội dung cần thiết, các phụ lục kèm theo đã thuyết minh chi tiết và rất thuyết phục về các vấn đề cần sửa đổi của thuế GTGT. Nhìn nhận từ thực tế về một số vấn đề cơ bản tác động dẫn đến việc phải sửa đổi Luật cũng cho thấy: Luật Thuế GTGT hiện hành được ban hành từ năm 2008, tức là cách đây 16 năm và đã qua 3 lần sửa đổi, bổ sung, lần gần nhất là năm 2016. Đến nay, xuất phát từ những yêu cầu của hội nhập quốc tế; điều kiện nội tại của nền kinh tế - xã hội trong nước cũng có nhiều thay đổi biến động... nhiều nội dung quy định của Luật Thuế GTGT hiện hành không còn phù hợp, thậm chí còn gây ra những khó khăn cho sự phát triển chung của nền kinh tế khi là nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá bán ra của hàng hóa, dịch vụ. Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn hết sức đồng tình đối với việc Quốc hội tiến hành xem xét để sửa đổi Luật Thuế GTGT.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn góp ý thêm về một số vấn đề cụ thể như: Về người nộp thuế: Điều 4 dự thảo Luật có 4 khoản quy định về các chủ thể nộp thuế GTGT khác nhau. Nghiên cứu các khoản cụ thể tại điều luật cho thấy tên gọi của Điều 4 là “Người nộp thuế” chưa thống nhất, chưa phản ánh đúng nội hàm của điều luật. Cụ thể, theo tên gọi của điều luật thì chủ thể nộp thuế là “người”, nhưng tại các khoản trong điều luật thì người nộp thuế còn bao gồm cả “tổ chức”, “hộ”, cá nhân sản xuất, kinh doanh... Trong khi đó, dự thảo điều luật không giải thích hoặc quy định về “Người nộp thuế” như cách viết của Luật hiện hành gây nên sự không thống nhất giữa nội hàm và tên gọi của điều luật.
Do vậy, đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng, thuật ngữ “Người nộp thuế” cần được sửa đổi cho phù hợp. Theo đó, đề nghị thay đổi tên gọi của Điều 4 từ “Người nộp thuế” bằng “Chủ thể nộp thuế” để bảo đảm bao quát được các trường hợp là cá nhân, tổ chức, vừa phản ánh được toàn diện, thống nhất giữa nội hàm với tên gọi của điều luật.
Cũng tại Điều 4, dự thảo Luật bổ sung đối tượng “hộ” sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Dân sự và một số luật có sử dụng thuật ngữ tương tự như: Luật Lâm nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Quản lý thuế..., gần đây nhất là Luật Đất đai đều sử dụng cụm từ “hộ gia đình”. Đồng thời, khi tra cứu về khái niệm “hộ sản xuất”, “hộ kinh doanh” thì đại biểu Cầm Thị Mẫn thấy tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Quản lý thuế đề cập đến thuật ngữ “hộ gia đình”, “hộ kinh doanh” nhưng không có thuật ngữ “hộ sản xuất”.
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1/6/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy định: “Hộ kinh doanh” là cơ sở sản xuất, kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ... Như vây, chỉ cần nêu hộ kinh doanh là đã bao hàm cả sản xuất. Từ những vấn đề nêu trên, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị sử dụng thống nhất thuật ngữ “hộ gia đình”, “hộ kinh doanh” để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về đối tượng không chịu thuế (Điều 5): Dự thảo Luật quy định 26 nhóm đối tượng không chịu thuế, đồng thời quy định chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ đối với hầu hết các nhóm đối tượng được miễn thuế GTGT. Tuy nhiên qua nghiên cứu, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để chuẩn hóa, thống nhất giữa Luật Thuế GTGT với các luật liên quan, theo đó nên rà soát, sắp xếp các lĩnh vực, ngành nghề miễn thuế GTGT một cách hợp lý, có thứ tự ưu tiên, dễ áp dụng trong thực tiễn.
Về các quy định tại Điều này, đại biểu Cầm Thị Mẫn xin tập trung vào khoản 10 quy định về “Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật bao gồm cả chăm sóc về y tế, dinh dưỡng và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật” không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Cá nhân đại biểu hoàn toàn thống nhất về đối tượng, tuy nhiên, về mặt kỹ thuật cho thấy quy định mang tính liệt kê nhưng chưa khoa học, chưa hợp lý và còn có sự trùng lặp. Trong đó, cụm từ “dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật” được lặp lại 2 lần trong cùng một khoản là không cần thiết; nội dung về đối tượng có quy định chung cả dịch vụ cho người và vật nuôi trong cùng một khoản là không hợp lý.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu đề nghị rà soát để viết lại cho ngắn gọn, khái quát không trùng lặp các ý cần viết trong cùng một khoản của điều luật. Đồng thời, tách khoản 10 thành 2 khoản khác nhau để quy định cho từng loại đối tượng dịch vụ dành cho người và dịch vụ cho vật nuôi riêng biệt.
Về bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật: Qua nghiên cứu tờ trình và thuyết minh chi tiết (kèm theo tờ trình), đại biểu Cầm Thị Mẫn thấy cơ quan trình đã rà soát khá chi tiết các quy định của luật để thể hiện thống nhất tại dự thảo Luật Thuế GTGT. Trong đó có Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, nội dung được rà soát lại chưa đối chiếu với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) cũng đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này.
Ngoài ra, khi nghiên cứu dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp cũng có đề cập đến “miễn thuế giá trị gia tăng đối với tổ chức nước ngoài thực hiện các chương trình, dự án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh”. Nhưng dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng không có quy định đây là đối tượng không chịu thuế. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung; đồng thời rà soát với các dự thảo Luật khác đang trình Quốc hội xem xét, thông qua để bảo đảm bao quát, toàn diện và thống nhất trong hệ thống pháp luật.