ĐBQH: Cần có phân trại dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội
Ngày 27/8, tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Cho rằng đây là dự án Luật mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các ĐBQH hoạt động chuyên trách tham gia đóng góp ý kiến vào 10 vấn đề lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên để nâng cao hơn nữa chất lượng của dự án luật.
Quan tâm đến nhiệm vụ của người làm công tác xã hội (quy định tại Điều 32 của dự thảo), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, nên quy định rõ với công an xã, phường, thị trấn nơi NCTN phạm tội đang cư trú phối hợp với người làm công tác xã hội xây dựng.
Đề cập về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam quy định tại Điều 155, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo luật, không nhất thiết phải xây dựng, thành lập trại giam riêng.
"Vì dự thảo Luật hiện đã thống nhất xử lý chuyển hướng, nghĩa là những NCTN phạm tội sẽ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chứ không ở trong trại giam, NCTN phạm tội có thể ở trường giáo dưỡng…, trong khi số lượng NCTN phạm tội không nhiều. Nếu xây dựng trại giam riêng thì rất tốn kém", đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với NCTN phạm tội cần được giam giữ riêng với những người trưởng thành, do đó cần có phân trại dành riêng cho NCTN thì phù hợp hơn với điều kiện hiện nay và không nên xây dựng trại giam riêng.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đình Gia - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy, dự thảo Luật quy định 2 mô hình là trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam. Điều này thể hiện chính sách nhân văn tốt đẹp trong dự thảo Luật này.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng một trại giam riêng cho NCTN phạm tội là rất khó khăn. Vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, trước mắt, cần quan tâm đặc biệt đến phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam, như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn hơn. Và khi có điều kiện thì nên xây dựng trại giam riêng cho NCTN.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật (bao gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự); về biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại Trường giáo dưỡng; các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng; thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; quy định 4 loại hình phạt áp dụng với NCTN phạm tội (gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn); về mức phạt tù có thời hạn; về quy định phải tách riêng vụ án đối với NCTN phạm tội…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị sau Hội nghị này, Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp với TANDTC tiếp tục hoàn chỉnh một bước nữa. UBTVQH sẽ chính thức có văn bản tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến của ĐBQH để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8.