ĐBQH: Công tác phòng cháy phải được quan tâm đặc biệt

Chiều 27/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật PCCC&CNCH. Nêu ý kiến, nhiều ĐBQH cho rằng, trong công tác PCCC&CNCH thì việc phòng là chính và cần được quan tâm đặc biệt.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH. Đại biểu đồng ý với dự thảo luật cho rằng, trong hoạt PCCC&CNCH phải lấy phòng ngừa là chính; tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.

Quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo luật, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 12 về biện pháp cơ bản trong phòng cháy nội dung: Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ, bên cạnh lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Còn ĐBQH Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, giữa nhiệm vụ phòng cháy và nhiệm vụ chữa cháy thì nhiệm vụ phòng cháy có vai trò cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy các vụ cháy nổ thường để lại hậu quả rất lớn về người, tài sản và môi trường mà nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân chủ quan.

"Phòng cháy tốt sẽ hạn chế tối đa các vụ cháy, hoặc chí ít cũng giảm đáng kể các hậu quả và thiệt hại, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy đỡ vất vả hơn. Do vậy, công tác phòng cháy phải được đặc biệt quan tâm", đại biểu nói.

Đại biểu tán thành với các biện pháp trong phòng cháy nêu tại Điều 12 bao gồm việc thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn chữa cháy, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy, quán triệt chặt chẽ về sử dụng an toàn các chất, nguồn có nguy cơ cháy nổ. Theo bà Hương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kĩ năng ngăn chặn sự cố cháy xảy ra.

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

ĐBQH Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi.

Đóng góp ý kiến vào dự luật, ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nêu quan điểm, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về PCCC cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể. Điều này nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác PCCC&CNCH.

ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

ĐBQH Phạm Đình Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Theo đại biểu, trước hết quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho biết, tại điểm c, khoản 1, Điều 24 dự thảo luật quy định "cơ quan y tế, điện lực, cấp nước, môi trường, đô thị, giao thông và cơ quan chức năng có liên quan khi nhận được yêu cầu của người chỉ huy chữa cháy phải nhanh chóng điều động người và phương tiện đến nơi phục vụ chữa cháy".

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Đại biểu nhận định, các trường hợp cháy, nổ thường liên quan đến hô hấp, bỏng da, nếu lực lượng y tế có mặt sớm giúp sơ cứu các nạn nhân ban đầu tốt hơn.

Do đó, ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị quy định tại Điều 24 là khi phát hiện cháy thì đơn vị y tế cơ sở nhanh chóng điều động người đến nơi để phục vụ cấp cứu người bị nạn.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-cong-tac-phong-chay-phai-duoc-quan-tam-dac-biet-16924062716095916.htm