ĐBQH: Lựa chọn những cây 'quốc dược' để đầu tư, phát triển ngành dược

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái cho rằng, cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia hoặc có thể gọi là cây 'quốc dược' để hỗ trợ, đầu tư từ nghiên cứu khoa học, giống, kỹ thuật...

Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, ĐBQH Trần Văn Sáu – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý cho phát triển và hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.

Đại biểu cho biết, một vài số liệu khiến chúng ta chưa thật sự yên tâm như hiện nay số thuốc tân dược được sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 46% nhu cầu cho điều trị bệnh; số còn lại phải nhập khẩu. Trong số 46% thuốc sản xuất trong nước, có đến 90% nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu.

ĐBQH Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

ĐBQH Trần Văn Sáu - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp.

Ông Trần Văn Sáu cho rằng, đến nay phát triển dược liệu vẫn còn nhiều khó khăn với 5 thiếu cơ bản: thiếu tập trung; thiếu thị trường; thiếu cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho phát triển; thiếu công nghệ và thiếu mô hình tổ chức sản xuất phù hợp. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến vấn đề này.

Đại biểu cho biết, lĩnh vực dược liệu được nhiều nhà khoa học, nhà quản lý thừa nhận có lợi thế cạnh tranh do Việt Nam có nhiều ưu thế ưu đãi, do vậy cần thiết phải nhìn nhận, xây dựng chiến lược, rà soát, bổ sung hoặc loại bỏ một số chính sách để tổ chức triển khai phát triển dược liệu ở Việt Nam nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, từ đó từng bước phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh về dược ở Việt Nam.

Phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Từ đó, đại biểu Sáu cho biết, để phát triển dược liệu đúng hướng, cần rà soát các cơ chế, chính sách ở các lĩnh vực trồng dược liệu, sản xuất sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam, phát triển chuỗi gắn với tổ chức kinh tế cộng đồng, du lịch cộng đồng, xây dựng vườn cây thuốc công nghệ cao; các chính sách vay vốn ưu đãi, đăng ký sản phẩm theo hướng đơn giản hóa, tăng đầu tư công trong lĩnh vực này…

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ quan tâm tới chính sách của nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược, tại Chương II của dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành và quan tâm đến các vấn đề về quy chế quản lý giống; hướng dẫn kỹ thuật; mức hỗ trợ đối với các chương trình, dự án trồng cây dược liệu sử dụng kinh phí nhà nước; việc phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; định hướng phát triển các nhà máy chế biến, tạo vùng nguyên liệu để các địa phương có kế hoạch triển khai phù hợp.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

ĐBQH Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, hiện nay việc phát triển cây dược liệu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra không ổn định, chưa có nhiều vùng phát triển theo chuỗi giá trị, nhiều loại dược liệu được trồng theo quy hoạch nhưng khi thu hoạch lại không có thị trường, đầu ra. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, có quy định về chính sách ưu đãi cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện sản xuất theo liên kết chuỗi gắn với các vùng nguyên liệu dược.

Đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban xã hội, trong đó có nội dung "cần thể hiện được tính đột phá, đủ mạnh, đồng bộ, khả thi về đầu tư, đào tạo, nghiên cứu khoa học, thương mại hóa sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu Việt Nam". Để thực hiện được nội dung này, bà Chu Thị Hồng Thái cho rằng, cần nghiên cứu, lựa chọn những loại cây dược liệu làm cây chủ lực quốc gia hoặc có thể gọi là cây "quốc dược" để hỗ trợ, đầu tư từ nghiên cứu khoa học, giống, kỹ thuật, vùng nguyên liệu đến thị trường có trọng tâm, trọng điểm.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dbqh-lua-chon-nhung-cay-quoc-duoc-de-dau-tu-phat-trien-nganh-duoc-169240626154834645.htm