ĐBQH NGUYỄN THANH PHONG: CẦN ĐIỀU HÀNH HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ, CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA ĐỂ ĐẢM BẢO CÁC CÂN ĐỐI LỚN CỦA NỀN KINH TẾ

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng cần điều hành kịp thời và hiệu quả, linh hoạt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, nâng cao năng lực phân tích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, không để xảy ra các cú sốc, ảnh hưởng tới đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh.

Các đại biểu Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024

Các đại biểu Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, có nhiều thay đổi tích cực. Một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống người dân không ngừng được cải thiện; số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và bảo đảm; chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh...

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai; nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực...

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Không để xảy ra các cú sốc, ảnh hưởng tới đời sống Nhân dân

Qua nghiên cứu kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long chỉ rõ công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn, chi phí sản xuất kinh doanh tăng, thị trường sản phẩm xuất khẩu bị thu hẹp; những bất cập tích tụ kéo dài của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh mạng, trật tự an toàn xã hội, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn những bất cập. Việc tháo gỡ vướng mắc trong quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, ách tắc trong thực thi công vụ cần nỗ lực hơn nữa; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi.

Từ những tồn tại trên, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cho rằng cần điều hành kịp thời và hiệu quả, linh hoạt các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, nâng cao năng lực phân tích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, không để xảy ra các cú sốc, ảnh hưởng tới đời sống Nhân dân và sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Cùng với đó quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư, tăng cường hợp tác; khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các bộ, cơ quan, địa phương chưa phân bổ hoặc chậm giải ngân sang các bộ, cơ quan, địa phương khác giải ngân nhanh và có nhu cầu bổ sung vốn; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời đẩy nhanh số hóa, sử dụng dữ liệu, tăng cường tích hợp, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, tạo chuyển biến rõ nét trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, góp phần giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thanh Phong - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Tập trung hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thanh Phong nhận thấy, vấn đề trên đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương được nâng lên; nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các lĩnh vực đầu tư; quản lý kinh phí ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên... đã đạt được những kết quả đáng được ghi nhận.

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm trong nhiều năm vừa qua nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Việc thực hiện kiểm tra, tự phát hiện lãng phí của các chủ đầu tư chưa được quan tâm thực hiện đúng mức. Kết quả thực hiện thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất của các công trình, dự án đạt tỷ lệ thấp. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp tại nhiều địa bàn, thất thoát tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự....

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Nguyễn Thanh Phong cho rằng, thời gian tới cần tập trung hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác này, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.

Đồng thời thường xuyên quán triệt, nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo đúng quy định trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tiếp tục thực hiện việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu, tăng cường đấu thầu qua mạng; tiếp tục rà soát, xử lý các dự án dở dang, chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Thêm vào đó, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán được giao. Tập trung các giải pháp nhằm mở rộng cơ sở thuế, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí. Thực hiện tốt công tác tư tưởng, giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động trực tiếp của việc tinh giản biên chế. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị.

Đại biểu cũng cho rằng cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước. Thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến quản lý thực hiện cơ chế chính sách của Nhà nước. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí./.

Minh Thành - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=87106