ĐBQH: Tên Luật 'Đổi mới sáng tạo' nhưng nội dung vẫn còn lệch trọng tâm
Hệ thống chính sách pháp luật toàn diện, hiệu quả sẽ là điểm tựa vững vàng, khơi nguồn lực vô tận cho ĩnh vực Khoa học, Công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là nhận định của các đại biểu Quốc hội khi tham gia thảo luận tại Hội trường về sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách pháp luật đối với lĩnh vực Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Toàn cảnh phiên họp.
Tham gia góp ý kiến tại Hội trường Quốc hội về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ và Đổi mới sáng tạo sau hơn một thập kỷ thực thi không chỉ là yêu cầu của thực tiễn phát triển, mà còn là bước đi cần thiết nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.
Đại biểu cho biết, nếu như Luật năm 2013 từng bước đặt nền móng cho hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ, thì Dự thảo sửa đổi lần này mang trọng trách cao hơn; Một trong những chuyển biến có tính nguyên lý trong Dự thảo Luật lần này là chuyển trọng tâm từ hoạt động nghiên cứu trong khu vực công lập sang thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ trong khu vực doanh nghiệp – nơi quyết định hiệu quả cuối cùng của đổi mới sáng tạo.
“Nếu như trước đây, viện nghiên cứu, trường đại học là những chủ thể chính thì nay, vai trò trung tâm được trao cả cho doanh nghiệp. Các trường, viện đóng vai trò hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tri thức, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra sản phẩm mới, công nghệ mới, giá trị mới cho nền kinh tế; bên cạnh đó dự thảo luật lần này là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tài chính và nguồn lực tạo động lực cho phát triển”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng: “Về bố cục, cách sử dụng thuật ngữ: Tên Luật đã mở rộng bao hàm “Đổi mới sáng tạo”, nhưng nội dung vẫn còn lệch trọng tâm về khoa học công nghệ truyền thống, cũng như chỉ mới có nguyên tắc của hoạt động “đổi mới sáng tạo” chứ chưa thấy có hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể thế nào là “đổi mới sáng tạo” để đánh giá xem có đủ điều kiện để công nhận, hỗ trợ hoặc xem xét chính sách không”.
Do đó, cần phân biệt đổi mới mang tính học hỏi, cải tiến với đổi mới có tính chất đột phá.
Thế nào được coi là cá nhân sáng tạo?
Lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, Luật khám bệnh chữa bệnh sửa đổi có riêng 1 chương quy định Áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh; tại Điều 92 đã có quy định: Kỹ thuật mới, phương pháp mới là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam…

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) phát biểu.
“Vậy các nội dung này có được áp dụng các chính sách của đổi mới sáng tạo không. Cán bộ triển khai thực hiện được kỹ thuật mới lần đầu tiên tại đơn vị mình có được gọi là cá nhân đổi mới sáng tạo không. Có phải lượng giá số ca thực hiện thành công kỹ thuật không...”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cho rằng, việc nghiên cứu ứng dụng trong ngành y tế, y học sử dụng rất nhiều. Thế nhưng, có một vấn đề đối với kỹ thuật mới trong luật, có đề xuất phải có cấp phép, được phê duyệt. Kỹ thuật mới đợi cấp phép, phê duyệt, các nhà nghiên cứu khó áp dụng được. Bởi vì các rào cản liên quan đến thủ tục rất lớn.
Đại biểu đề nghị: “Bổ sung chính sách Thúc đẩy phát triển các công nghệ y tế tiên tiến (trí tuệ nhân tạo trong y học, thiết bị y tế thông minh, y học cá thể hóa...); Tập trung phát triển y học số, công nghệ sinh học, dược phẩm mới, và vật liệu y sinh; Đầu tư lớn các trung tâm y tế thông minh, Tạo cơ chế để thử nghiệm công nghệ mới trong môi trường thực tế nhưng an toàn. Thành lập vườn ươm, trung tâm ươm tạo đổi mới sáng tạo chuyên về y tế. Mở rộng kết nối quốc tế, thu hút nguồn vốn đầu tư, trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ dữ liệu y tế phục vụ phát triển. Một khía cạnh quan trọng trong quản trị đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực y tế – nơi các thử nghiệm, sáng kiến thất bại là điều không thể tránh khỏi do đặc thù rủi ro và phức tạp cao”.
Bên cạnh đó, cần có chính sách chia sẻ, công khai các bài học thất bại, kết quả nghiên cứu không thành công; khuyến khích chia sẻ công khai dữ liệu tiêu cực hoặc kết quả không đạt kỳ vọng để cộng đồng cùng học hỏi. Xây dựng kho dữ liệu mở về các đề tài/dự án thất bại để tránh lặp lại và là nguồn tài nguyên tri thức chung.
Tạo dựng môi trường thử nghiệm an toàn (các mô hình sandbox, vườn ươm) để giảm rủi ro cho cả doanh nghiệp và xã hội. Hình thành tư duy hỗ trợ tái cấu trúc hoặc chuyển giao ý tưởng, không loại bỏ hoàn toàn những nhân sự/dự án từng thất bại.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu.
Cần chính sách hỗ trợ cho nhà nghiên cứu, sáng tạo "hai lúa"
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) kiến nghị, có chính sách hỗ trợ cá nhân có sáng kiến, nhất là người nông dân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Theo đại biểu, trong thực tế thì người dân nhất là những người nông dân khi làm công việc nhà nông thực tế, họ sáng kiến được rất nhiều máy móc, thiết bị, ví dụ như là nông dân các địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long sáng chế ra máy gieo hạt ngô, hạt lúa đa năng rồi tự chế tạo được máy phun thuốc trừ sâu có đường kết nối từ xa; rồi những sinh viên đã sáng tạo ra thiết bị cảnh báo lũ lụt, sạt lở đất.... mà phương tiện thông tin đại chúng thường gọi họ là những nhà khoa học “hai lúa”.
“Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của người dân được phổ cập rộng rãi rất phù hợp với điều kiện thực tiễn và đem lại hiệu quả rất tốt. Do vậy tôi thấy là nên có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho cá nhân có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như thế này nên để bổ sung, qua đây là nên có hỗ trợ cho những cái cá nhân có những sáng kiến nhất là những người dân”, đại biểu nói.
Khi nào được miễn trừ trách nhiệm?
Đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị, về các nội dung quy định tại điều 9, việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH, CN và đổi mới sáng tạo: Các nội dung về cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu KH, CN và hoạt động đổi mới sáng tạo còn chung chung, tại khoản 1 còn quy định không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí.

Các địa biểu tham gia kỳ họp
“Chính phủ sẽ quy định về tiêu chí xác định rủi ro, đánh giá quá trình tuân thủ mà không nói quy trình, quy định là gì để cá nhân, tổ chức, cá nhân khi thực hiện về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phải chấp hành và quan trọng nữa là cơ quan, tổ chức nào là người xác định đúng quy trình, quy định này”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, nghiên cứu khoa học sẽ có 2 hướng, một hướng thành công bởi vì kết quả đáp ứng được mong đợi và kỳ vọng của các nhà khoa học cũng như cơ quan quản lý. Thế nhưng cũng có một xu hướng đó là thất bại.
“Thất bại tức là mình nghiên cứu cũng dùng hết tâm sức, dùng hết cơ sở vật chất, dùng hết tâm huyết, thậm chí tìm cả thầy, tìm cả mọi người về, nhưng nghiên cứu kết quả vẫn thất bại. Đây là mình chấp nhận rủi ro, nhưng rủi ro phải chấp nhận đến đâu. Chứ biết hướng nghiên cứu đó có nguy cơ thất bại, mà vẫn cố đấm ăn xôi, cứ lao vào để làm, làm bằng được mà kết quả vẫn không đến. Như vậy mình chấp nhận rủi ro thì rủi ro đến cấp độ nào. Điều này tôi nghĩ cũng là một điểm rất khó. Vậy thì người ngồi chấm và ngồi hoạch định ra để quyết định rủi ro hay thành công cũng là một vấn đề”, đại biểu nói.
Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng, nếu không quy định rõ quy trình, quy định sẽ dẫn đến việc dễ bị hiểu sai và có thể bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí NSNN: "Đổi mới sáng tạo" chưa có hệ tiêu chí định lượng để từ đó có thể triển khai các chính sách hỗ trợ. Đây là một điểm rất đáng chú ý khi sửa luật”.
“Do đó đề nghị ban soạn thảo bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý; và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro; đơn vị có thẩm quyền xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật”, đại biểu kiến nghị.
Về những kiến nghị cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học hợp lý; Ban hành quy trình thẩm định, phê duyệt rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Xác định rõ đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xác nhận việc tuân thủ quy trình để làm căn cứ miễn trách nhiệm.