ĐBQH TP.HCM: Chính sách tiền lương hiện nay đối với ngành giáo dục và y tế còn bất cập
Ngày 17.10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục, ngành y tế trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.
Tại hội nghị, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ với các đại biểu, cử tri liên quan đến chính sách tiền lương hiện nay đối với ngành giáo dục và y tế còn bất cập; cùng với đó là chưa có cơ chế, chính sách để tạo đột phá phát triển các lĩnh vực này như mong muốn.
Trong đó, ĐBQH nhìn nhận, tiền lương thấp là một trong những nguyên nhân không tuyển được giáo viên. Ngoài ra, cách quy định tiền lương đối với giáo viên dẫn đến không tuyển được nhân sự ở một số vị trí như: công nghệ thông tin, mỹ thuật, âm nhạc... Một số vị trí khác như nhân viên y tế trong học đường cũng có mức lương khá thấp, chưa đủ hấp dẫn người có trình độ chuyên môn.
Các quy định hiện nay trong ngành y tế và giáo dục đều quy định tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với từng ngành rất cao. Trong khi đó, lực lượng lao động sẵn có hiện nay chưa đáp ứng được các yêu cầu công việc, nhiều nơi còn thiếu nhân sự. Chính điều này cũng ảnh hưởng đến việc cử người đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn...
Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Tấn Tài (TP.Thủ Đức) Trần Văn Lực đề cập đến một số bất cập trong điều chỉnh, triển khai chính sách tiền lương. Trong đó, hiện mức lương của giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
“Việc tăng lương cơ bản lên 1,8 triệu là sự động viên tinh thần nhưng thực chất vẫn không theo kịp giá trị hàng hóa gia tăng mỗi ngày bên ngoài, dẫn đến tình trạng giáo viên nghỉ việc, các trường không tuyển đủ giáo viên", ông Lực nói.
Ông Võ Đức Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) cho biết, Nghị định 204 của Chính phủ quy định về mức lương khởi điểm đối với đội ngũ bác sĩ hiện nay được áp dụng bằng với chức danh chuyên môn có bằng đại học ở mức 1 hệ số 2,34.
Thế nhưng, điều này là chưa phù hợp do tính chất đặc thù thời gian đào tạo 6 năm, sau khi ra trường các bác sĩ phải có thời gian học thực hành 18 tháng mới đủ điều kiện hành nghề sản, nhi...
Ngoài ra, khi đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa bác sĩ cần phải học lên chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 phải đào tạo liên tục với kinh phí cao.
Theo ông Hiếu, nếu áp dụng mức lương như hiện tại bác sĩ mới ra trường khó đảm bảo được cuộc sống và các bệnh viện thiếu sự thu hút bác sĩ trẻ, do vậy kiến nghị nâng mức lương khởi điểm tăng cao hơn so với mức lương hiện tại.
Ngoài chuyện tiền lương, ĐBQH Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, hiện nay, nhiều bệnh viện đang gặp vướng mắc trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc men... dù đã được Quốc hội, Chính phủ từng bước tháo gỡ.
Đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng với nguồn lực của nhà nước, không thể đáp ứng hết nhu cầu của các đơn vị y tế. Do vậy, nhu cầu liên doanh, liên kết ở các đơn vị y tế là cần thiết và quan trọng để tận dụng thêm các nguồn lực xã hội đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân ngày một tốt hơn.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết TP.HCM đang hướng đến xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu mang tầm cỡ và việc này là khả thi với đội ngũ nhân lực y bác sĩ hiện có. Dù vậy, hiện nay đang vướng mắc trong cơ chế, chính sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại, nhất là trong việc liên doanh, liên kết đầu tư trang thiết bị y tế.
“Vấn đề quan trọng là cần có một cơ chế để các cơ sở y tế đầu tư, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại. Điều này tạo ra một cú hích lớn để TP.HCM xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu”, ĐBQH Nguyễn Tri Thức nhìn nhận.
Cũng theo vị ĐBQH này, hiện nay một số quốc gia trong khu vực đã áp dụng phương pháp xạ trị proton trong điều trị ung thư, trong khi ngành y tế ở Việt Nam mới bắt đầu đặt vấn đề này, chưa biết khi nào sẽ áp dụng. TP.HCM muốn trở thành trung tâm y tế chuyên sâu thì phải có trung tâm xạ trị proton trong điều trị ung thư.