ĐBQH TRẦN THỊ HOA RY: TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, LÀM RÕ MỘT SỐ NGUYÊN TẮC TRONG DỰ THẢO LUẬT CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH VÀ ĐỘNG VIÊN CÔNG NGHIỆP
Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã được Ban soạn thảo chuẩn bị rất công phu và chất lượng. Tuy nhiên, vẫn cần phải nghiên cứu và làm rõ một số vấn đề.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều ngày 28/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu góp ý một số nội dung về nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh, động viên công nghiệp, về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ và phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh,…
Thứ nhất, về nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và an ninh, động viên công nghiệp. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry chia sẻ, sau khi nghiên cứu nội dung quy định tại khoản 3, khoản 7, khoản 8 Điều 4, Đại biểu nhận thấy nội dung quy định tại 3 khoản này mang tính chất về chính sách hơn là nguyên tắc và chưa phù hợp với nội dung có tên điều luật. Vì vậy, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, nếu xét thấy thực sự cần thiết quy định những nội dung này thì chúng ta có thể thiết kế thành một điều riêng, đó là chính sách xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp sẽ phù hợp hơn.
Thứ hai, quy định về nguyên tắc, đó là gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, tránh đầu tư trùng lặp; những gì công nghiệp quốc phòng làm được thì công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại (tại khoản 6 Điều 4). Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ sự tâm đắc với nội dung của quy định này vì đây vì đây là nguyên tắc đặc thù và là chủ trương đúng đắn của việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, nhằm bảo đảm hiệu quả, tránh trùng lặp, dàn trải trong đầu tư và lãng phí nguồn nhân lực. Tuy nhiên, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng trong dự thảo Luật cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu, vì để thực hiện được nội dung này cần phải làm rõ khái niệm công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh.
Thứ ba, về cơ chế, chính sách trong hoạt động khoa học, công nghệ và phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 7, trong đó có quy định: "Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự theo quy định của Luật Khoa học công nghệ". Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất Ban soạn thảo xem xét 02 vấn đề sau: Một, mặc dù trong hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ cho công nghiệp quốc phòng, an ninh được thực hiện theo Luật Khoa học, công nghệ, nhưng trong luật này không có chính sách về miễn trách nhiệm dân sự. Hai, tại Điều 601 của Bộ luật Dân sự khi đề cập đến bồi thường thiệt hại do nguy hiểm cao độ gây ra cũng chưa quy định rõ nội dung này. Chính vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục quy định nội dung này thể hiện rõ vào trong dự thảo luật.
Thứ tư, về nguyên tắc tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng tại mục 4 và nguyên tắc tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh tại mục 5 Chương II của dự thảo luật. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu 2 vấn đề cụ thể như sau:
Một, nội dung trong từng điều luật của 02 mục này chưa tương thích với tên của 02 mục. Tên của 02 mục này lần lượt là "Nguyên tắc tổ chức hoạt động công nghiệp quốc phòng" và "Nguyên tắc tổ chức hoạt động của công nghệ an ninh". Nhưng trong nội dung của từng điều luật chỉ mới quy định tổ chức, hoạt động, chưa có quy định về nguyên tắc. Do vậy, cần bổ sung thêm nội dung quy định về nguyên tắc hoạt động của công nghiệp quốc phòng và an ninh cho phù hợp với nội dung của tên luật.
Hai, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry tiếp tục đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và nên thể chế thêm về tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ngay trong dự thảo Luật này. Bởi vì trong nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã có quy định, đó là "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hình thức cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao". Do vậy, cần thể chế chủ trương này theo hướng quy định liên kết các doanh nghiệp quốc phòng, nhất là tập đoàn quốc phòng, tổ hợp công nghiệp quốc phòng là hạt nhân nòng cốt để nhằm thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong nghiên cứu về sản xuất vũ khí, phương tiện kỹ thuật quân sự để có cơ sở áp dụng trong thực tiễn.
Thứ năm, về chuẩn bị thực hành động viên công nghiệp tại Chương III. Liên quan đến chương này, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đóng góp 03 vấn đề như sau:
Một là, về tổng thể và cách thức, phương pháp động viên công nghiệp được quy định trong dự thảo luật này chưa có đổi mới, bứt phá phù hợp với chiến tranh công nghệ cao. Với quy định của dự thảo Luật thì khó có thể áp dụng động viên công nghiệp đối với doanh nghiệp có cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chính sách ưu tiên về đặt hàng, về miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp thuộc diện động viên công nghiệp chưa thực sự hấp dẫn.
Hai là, về việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, đơn vị, quân khu trong xây dựng kế hoạch động viên công nghiệp từng nội dung cũng chưa rõ ràng và mang tính chất đột phá.
Ba là, liên quan đến Điều 37 quy định về quản lý, duy trì dây chuyền động viên công nghiệp. Nghiên cứu nội dung này tôi thấy nhiều nội dung còn mang tính nặng nề về thủ tục hành chính và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry chỉ ra tại điểm đ khoản 1 có quy định "Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển đổi quyền sở hữu chủ thể không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật động viên công nghiệp hoặc đơn có đơn yêu cầu tuyên bố phá sản đã hoàn chỉnh để đổi mới công nghiệp mà không có khả năng thực hiện thêm nhiệm vụ động viên công nghiệp, đại diện hợp pháp thì doanh nghiệp phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan đã quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Quốc phòng". Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này không đảm bảo về tính khả thi, về thời gian và cả báo cáo về nội dung theo quy định. Chính vì vậy, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu nhất là thực tiễn thi hành Pháp lệnh động viên công nghiệp và Nghị định 132 về hướng dẫn thi hành pháp lệnh này để bổ sung vào dự thảo luật, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn động viên công nghiệp thời gian qua./
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=82655