ĐBQH TRẦN VĂN KHẢI: CHƯA CÓ CƠ CHẾ KÊU GỌI TOÀN XÃ HỘI THAM GIA VÀO CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Đại biểu Trần Văn Khải- Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu quan điểm: Hiện nay, chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, Quốc hội cần chỉ đạo HĐND các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát; đôn đốc UBND cùng cấp thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cả nước.

SỬA ĐỔI LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG ĐỂ BẢO VỆ NGƯỜI DÂN TỐT HƠN VÀ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HỮU HIỆU, ĐẢM BẢO NGUỒN LỰC CHO CÔNG TÁC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011 (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010). Trong gần 12 năm thực thi, các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhu cầu cấp thiết về kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế; trên cơ sở nhận diện những hạn chế, bất cập sau 12 năm ban hành, tổ chức thực hiện các quy định hiện hành cho thấy Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cần được sửa đổi, bổ sung.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 này.

Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 này.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Nhằm làm rõ hơn những bất cập trong việc thực thi pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như có thêm ý kiến đóng góp để đóng góp vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Nam.

Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian qua?

ĐBQH Trần Văn Khải: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Đây là đạo luật hướng tới bảo vệ quyền con người, quyền của người tiêu dùng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Trong gần 12 năm thực thi, Luật BVQLNTD và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, kiến tạo khung khổ pháp lý, tạo nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục thúc đẩy phát triển công tác BVQLNTD tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động của hội nhập quốc tế, nhiều nội dung của Luật đã bộc lộ không ít bất cập. Bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Luật còn có những hạn chế. Đối với các quy định pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có những bất cập sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước chưa phát huy rõ vai trò, trách nhiệm trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng;

Thứ hai, Luật BVQLNTD chưa “định vị” được vị trí trong quan hệ với các Luật chuyên ngành cũng như chưa quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan tổ chức khác trong việc phối hợp thực hiện các quy định của Luật BVQLNTD;

Thứ ba, chưa có cơ chế kêu gọi toàn xã hội tham gia vào công tác BVQLNTD, đặc biệt chưa có cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả;

Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Đại biểu Trần Văn Khải- Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Thứ tư, một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh – tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, đặc biệt là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số và khoa học công nghệ 4.0;

Thứ năm, một số trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới;

Thứ sáu, nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan;

Thứ bảy, các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi sự phát triển không ngừng của Internet càng làm gia tăng vai trò của hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;

Thứ tám, một số quy định còn thiếu tính linh hoạt, không cho phép tính toán đến hoàn cảnh, lĩnh vực kinh doanh đặc thù của từng loại thị trường;

Thứ chín, các quy định liên quan đến cung cấp bằng chứng giao dịch, bảo hành, thu hồi hàng hóa khuyết tật được thiết kế lỏng lẻo và sơ sài khiến các chủ thể liên quan gặp khó trong việc thực hiện;

Thứ mười, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết;

Và cuối cùng là cơ chế tiếp nhận và giải quyết yêu cầu BVQLNTD tại cơ quan nhà nước hiện tại được thiết kế “lửng lơ” (chỉ quy định rõ về ủy ban nhân dân cấp huyện) khiến thực tế không phát huy được hiệu quả.

Phóng viên: Vậy những bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nằm ở những nội dung chủ yếu nào, thưa đại biểu?

ĐBQH Trần Văn Khải: Bất cập, hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật BVQLNTD được bộc lộ ở nhiều nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, việc tiếp nhận và giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được thực tế;

Hai là, việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật trong Luật BVQLNTD mới chỉ quy định về trách nhiệm báo cáo của doanh nghiệp khi kết thúc chương trình thu hồi, chưa có cơ chế, quy định để doanh nghiệp báo cáo/xin phép về việc thực hiện chương trình tới cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD;

Ba là, việc kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa có sự phối hợp tốt giữa Bộ Công Thương và một số Sở Công Thương về nội dung, quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ và đăng tải các hợp đồng được chấp nhận. Công tác hậu kiểm còn hạn chế, tình trạng các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung có các nội dung vi phạm quyền lợi người tiêu dùng là khá phổ biến trên thực tế. Chế tài xử lý vi phạm hành chính chưa tương xứng với mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe. Thủ tục tuyên vô hiệu hay giải quyết tranh chấp tại Tòa án vẫn còn nhiều bất cập như thời gian kéo dài, thủ tục phức tạp, thậm chí nhiều nơi Tòa án còn chưa căn cứ vào Luật BVQLNTD trong việc giải quyết tranh chấp;

Bốn là, sự phối hợp của các Bộ ngành và cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống cơ quan hành chính còn nặng theo hướng một chiều (từ trên xuống dưới), tính mệnh lệnh, chỉ thị. Các mối quan hệ ngang cấp giữa các cơ quan, tổ chức với nhau còn lỏng lẻo, thiếu tính chủ động trong công tác BVQLNTD.

Năm là, công tác chuẩn bị tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BVQLNTD còn nhiều bất cập, hạn chế; Nội dung phổ biến pháp luật BVQLNTD còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với nhu cầu; Đối tượng phổ biến mới chỉ tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, vào nhóm công chức, viên chức, cán bộ thực hiện công tác BVQLNTD tại cấp tỉnh, chưa lan tỏa tới các vùng sâu, vùng xa, chưa tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng; Cách thức triển khai công tác phổ biến pháp luật BVQLNTD chậm được đổi mới, thiếu linh hoạt, ít sáng tạo; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến pháp luật BVQLNTD vẫn còn ở mức khiêm tốn. Việc phối hợp trong công tác phổ biến pháp luật BVQLNTD giữa các Bộ, ngành có liên quan còn chưa được triển khai chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; Chất lượng đội ngũ thực hiện phổ biến pháp luật BVQLNTD còn hạn chế; Nguồn lực bảo đảm cho công tác phổ biến pháp luật BVQLNTD hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác tuyên truyền pháp luật BVQLNTD;

Phóng viên: Với những bất cập nêu trên, tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 này, đại biểu có kiến nghị, đề xuất, đóng góp như thế nào vào việc sửa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

ĐBQH Trần Văn Khải: Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 này, tôi kính đề nghị Quốc hội, các đại biểu Quốc nghiên cứu, cho ý kiến về Luật BVQLNTD (sửa đổi), đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng, giải quyết được các tồn tại, hạn chế của thực tế, tạo động lực tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác BVQLNTD; Xem xét sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực có liên quan như Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng… để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, qua đó, tăng cường hiệu quả cho công tác BVQLNTD.

Quốc hội cần chỉ đạo Hội đồng nhân dân các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng, ban hành, triển khai các chương trình, đề án về BVQLNTD ở địa phương. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, ban hành các chính sách, chương trình tổng thể, các đề án để thúc đẩy công tác BVQLNTD trên phạm vi cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=69805