ĐBSCL cần đoàn kết hơn nữa, bứt phá, thần tốc hơn nữa

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản tốt, các cơ quan liên quan đã triển khai chắc chắn, bài bản, hoàn thiện dần và đang đi vào hoạt động ổn định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tình hình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm; và Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh vùng ĐBSCL.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc triển khai chính quyền địa phương 2 cấp cơ bản tốt, các cơ quan liên quan đã triển khai chắc chắn, bài bản, hoàn thiện dần và đang đi vào hoạt động ổn định. Tuy nhiên, nhiều nội dung còn phải rà soát, triển khai đồng bộ, chuyên nghiệp hơn nữa, bảo đảm thông suốt, thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.

Về các công trình giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL kết nối với vùng Đông Nam Bộ và kết nối quốc tế, các báo cáo cho thấy cơ bản đang đúng tiến độ, nhiều công trình vượt tiến độ đề ra, nhất là các công trình do Bộ Xây dựng đảm nhận và hoàn thành trong năm 2025, trong đó có sân bay Long Thành, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi…. Tuyến cao tốc Bắc - Nam đang hoàn thành vượt mức kế hoạch; nhiều đoạn cao tốc trục Đông – Tây có khả năng hoàn thành trong năm nay.

Về Đề án 1 triệu ha lúa, đây là chương trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp đầu tiên trên thế giới. Đề án có ý nghĩa lớn trong chủ động, tích cực bảo đảm an ninh lượng thực cho Việt Nam và các đối tác trên thế giới, ổn định đầu ra, tránh "được mùa mất giá, được giá mất mùa" với lúa gạo Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả canh tác.

Cùng với đó, đề án góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, khô hạn, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL; tạo việc làm, sinh kế cho người dân; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tạo liên kết vùng, liên kết quốc tế trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng; nâng cao thương hiệu quốc gia, thương hiệu gạo Việt Nam.

Về mục tiêu trong tháng 7, quý III và những tháng còn lại của năm 2025, Thủ tướng yêu cầu củng cố, tăng cường đoàn kết, thống nhất hơn nữa, tăng tốc, bứt phá, thần tốc hơn nữa để vượt qua chính mình, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", góp phần đạt toàn bộ các mục tiêu đã đề ra trong năm 2025 và cả nhiệm kỳ.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 4 mục tiêu gồm:

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế từ 8% năm 2025, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn;

Thứ hai, giữ vững quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển;

Thứ ba, nhanh chóng ổn định, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, thông suốt, hoàn hảo nhất có thể;

Thứ tư, hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 31/8/2025, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước 27/7, phát huy tinh thần "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều".

Về một số công trình, dự án quan trọng khác, Thủ tướng yêu cầu các công trình phục vụ APEC tại Phú Quốc phải xây dựng nhanh, đẹp, xứng tầm nền văn hóa và vị thế, vai trò đất nước, trí tuệ con người Việt Nam; hoàn thành xây dựng trung tâm xử lý rác thải, vệ sinh môi trường, trung tâm nước sạch, giao thông liên kết với các công trình phục vụ APEC; định hướng vừa phục vụ APEC vừa phục vụ phát triển lâu dài.

Với dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ (có tổng mức đầu tư 1.727 tỷ đồng từ vốn ODA và vốn đối ứng trong nước, khởi công 2017 nhưng kéo dài, chưa hoàn thành), Thủ tướng chỉ đạo tiến hành thanh tra, Bộ Tài chính chủ trì bố trí vốn đầu tư công để khởi động lại dự án, giao Cần Thơ làm chủ đầu tư và phải hoàn thành trong năm 2026.

Phương Thanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dbscl-can-doan-ket-hon-nua-but-pha-than-toc-hon-nua-346529.htm