DCM giảm một nửa tỷ lệ chia cổ tức năm 2024

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Phân bón Cà Mau đã thông tin tới cổ đông về tình hình hoạt động của KVF, chia sẻ về kế hoạch đầu tư, kinh doanh năm 2024 của DCM.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Phân bón Cà Mau diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Phân bón Cà Mau diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Sáng ngày 11/6, tại TP HCM, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.

Năm nay, Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế với 841,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 794,8 tỷ đồng. Doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức 10% trong năm 2024 (năm 2023 tỷ lệ 20%).

Trả lời cổ đông về tỷ lệ chia cổ tức thấp hơn năm trước, ban lãnh đạo DCM cho biết, mặc dù dòng tiền công ty dồi dào nhưng doanh nghiệp lại đặt kế hoạch trọng tâm cho 3 lĩnh vực trong năm nay, bao gồm đầu tư, chuyển đổi số và ESG, do đó chi phí đầu tư khá lớn.

Năm 2024, Phân bón Cà Mau đặt mục tiêu sản xuất 892.000 tấn ure quy đổi, 110.000 tấn đạm chức năng, NPK với 180.000 tấn. Tiêu thụ sản xuất ure năm 2024 đạt 749.000 tấn, đạm chức năng đạt 110.000 tấn, NPK với 180.000 tấn, tự doanh 248.000 tấn.

Riêng đối với NPK, theo DCM, nhà máy Phân bón Hàn - Việt (KVF) có khả năng sẽ cung cấp khoảng 70.000 tấn NPK trong năm nay. Hiện KVF có công suất thiết kế 360.000 tấn/2 dây chuyền. Trong tháng 5 vừa qua, cùng với việc tái cấu trúc và được đưa vào hệ sinh thái của DCM, KVF đã bắt đầu ghi nhận lãi.

Về thị trường quốc tế, hiện sản phẩm của DCM đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới, trong đó nắm giữ thị phần lớn tại Campuchia.

Dù vậy, ban lãnh đạo DCM cho rằng, các hoạt động này chưa phải hoạt động kinh doanh quốc tế. Do đó, Phân bón Cà Mau vẫn đặt ra tham vọng phát triển thêm ở mảng kinh doanh quốc tế, hoạt động rộng hơn ở thị trường nước ngoài.

Hàng năm, ngoài xuất khẩu sang Campuchia, DCM còn xuất khẩu khoảng 190.000 tấn phân bón sang các thị trường khác. Với thị trường mới là Australia, DCM đánh giá đây là thị trường khó tính với cơ hội lớn, có giá xuất khẩu phân bón cao hơn từ 20 – 30 USD so với các thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp sẽ thâm nhập thị trường này với lượng phù hợp trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc tăng vốn điều lệ, theo Tổng Giám đốc DCM Văn Tiến Thanh, doanh nghiệp chưa có nhu cầu tăng vốn điều lệ. Hiện DCM đang tích lũy dòng tiền tốt nên chủ động trong dòng tiền, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư cho các dự án.

Trả lời câu hỏi về các dự án đầu tư cụ thể, theo DCM, năm 2024 doanh nghiệp có kế hoạch chi 1.582 tỷ đồng đầu tư cho 3 mảng. Bao gồm, mảng nâng cấp tiếp hạng mục hạ tầng cơ sở sản xuất tại nhà máy, cụ thể là dự án mở rộng mái che, đầu tư hệ thống đưa phân bón tự động xuống xà lan, đầu tư dự án năng lượng áp mái…

Mảng đầu tư thứ hai là gia tăng cơ sở vật chất và hạ tầng. Doanh nghiệp vừa thực hiện M&A Phân bón Hàn – Việt với tổng 23,6 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển 22,7 ha tại Thạch Hóa, tỉnh Long An; đầu tư vào kho nhà máy NPK Bình Định – Quy Nhơn…

Mảng thứ ba đầu tư là tập trung vào các hạng mục liên quan đến cải hoán nâng cao công suất và hiệu suất thu hồi sản phẩm tại dây chuyền sản xuất hiện hữu tại nhà máy Đạm Cà Mau. Trong đó, DCM đang đầu tư cho phân xưởng, để thu hồi khí CO2 và sản xuất CO2 thực phẩm với công suất 8.000 – 9.000 tấn/năm.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dcm-giam-mot-nua-ty-le-chia-co-tuc-nam-2024-post35587.html