Đề án hay, cần cách làm hiệu quả

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị lấy ý kiến xây dựng Đề án 'Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)' (sau đây gọi tắt là Đề án).

Đề án được cho là bước tiến mới, có thể “bắt mạch", "bốc thuốc” và điều trị thành công “căn bệnh nan y” của ngành lúa gạo ĐBSCL, đó là hiệu quả sản xuất và thu nhập của người trồng lúa thấp; chất lượng, sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu chưa cao; chưa bền vững với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để Đề án không như “đá ném ao bèo”, cần điều chỉnh phù hợp về chính sách nhằm tránh “vết xe đổ” của các mô hình tương tự.

Chú trọng thị trường và nguồn vốn

Theo đề cương nhiệm vụ xây dựng Đề án, đến năm 2030, diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao của toàn vùng đạt 1 triệu héc-ta, sản lượng đạt khoảng 12,5 triệu tấn lúa; lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt hơn 40%; giảm lượng lúa giống sử dụng trong gieo sạ còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%, giảm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học là 40%, giảm lượng nước tưới hơn 30%; đồng thời giảm thất thoát sau thu hoạch xuống dưới 8%, giảm phát thải hơn 10%.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam: Đề án rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng lúa gạo, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. “Khi thực hiện Đề án, cái chính chúng tôi hướng đến là tổ chức lại sản xuất; nâng giá trị sản phẩm chủ lực của ĐBSCL; xác định nhiệm vụ, trách nhiệm của các địa phương để giữ được đất lúa, nâng giá trị thu nhập cho bà con nông dân”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Mục tiêu của Đề án rất hay, tuy nhiên, theo các chuyên gia, vùng chuyên canh lúa 1 triệu héc-ta có quy mô rất lớn (hơn 50% đất lúa ở ĐBSCL và 26% diện tích đất lúa cả nước), vì vậy cần có sự lựa chọn các bước đi một cách khoa học theo phương châm “làm chắc, kết quả thật”. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: "Thời gian qua, tỷ lệ gieo sạ giống xác nhận, giống lúa chất lượng cao ở ĐBSCL chiếm phần lớn diện tích. Đơn cử như vụ lúa đông-xuân 2022-2023, toàn vùng xuống giống 1,6 triệu héc-ta, trong đó các giống chất lượng cao chiếm hơn 70%. Diện tích lúa chất lượng cao ở ĐBSCL đã vượt con số 1 triệu héc-ta. Vì thế, vấn đề quan trọng nhất mà Đề án cần phải xác định là thị trường đầu ra cho gạo chất lượng cao. Nếu trồng lúa chất lượng cao, giá lúa không cao hơn so với lúa bình thường, nông dân sẽ không tham gia. Hoặc giá cao hơn được một vài vụ rồi đâu lại vào đấy, nông dân sẽ bỏ cuộc...”.

Là chuyên gia tâm huyết với ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL, GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết: "Hơn 10 năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra đề án sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao nhưng cuối cùng không thành công do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chưa có quyết tâm thực hiện và giám sát thực hiện hời hợt nên cuối cùng như “đá ném ao bèo”.

 Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: TTXVN

Nông dân huyện Thoại Sơn (An Giang) thu hoạch lúa Đông Xuân. Ảnh: TTXVN

Đề xuất giải pháp cho Đề án, theo GS, TS Võ Tòng Xuân, với xu hướng hiện nay, gạo chất lượng cao không chỉ phải đặt yếu tố sạch, an toàn, không chứa chất cấm lên hàng đầu mà còn phải phù hợp với thị hiếu của từng thị trường. "Tùy theo thị trường, chúng ta sẽ bố trí các vùng trồng khác nhau. Nếu cần gạo chất lượng cao mà độ ngon vừa phải, chúng ta có thể trồng ở vùng dọc theo biên giới Việt Nam-Campuchia, kéo sang An Giang, Đồng Tháp... Còn cần lúa chất lượng cao, năng suất cao, có thể trồng ở vùng Tiền Giang; hay gạo vừa chất lượng cao, vừa ngon, phải trồng từ Bến Tre kéo xuống Bạc Liêu, Cà Mau... Nếu chỉ công bố trồng 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và các địa phương tự bố trí, sẽ dẫn tới vòng luẩn quẩn. Bài học về cao su, điều, chè... đến nay vẫn còn”, GS, TS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Bên cạnh thị trường đầu ra, ngành chức năng cần chú trọng nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để nông dân tiếp cận Đề án. Chia sẻ về chính sách vốn nêu lên trong Đề án, ở góc độ địa phương, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, điều kiện nông dân các tỉnh ĐBSCL còn khó khăn, do đó việc huy động vốn từ người dân đến 38,7% theo Đề án là lớn nên sẽ khó huy động, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia Đề án được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất lúa để phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất của hợp tác xã hoặc các cơ sở chế biến phụ phẩm lúa gạo và mức vay của nông dân cũng cần tính toán lại.

“Thực tế, các chính sách vay tín chấp vừa qua rất khó khả thi do ngân hàng cần bảo toàn vốn và sợ rủi ro. Do đó, cần quy định cụ thể hơn về năng lực, điều kiện doanh nghiệp cũng như quy định trách nhiệm của ngân hàng để thuận lợi khi thực hiện. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh đối với chính sách “nông dân được vay ngân hàng không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ sản xuất, thời hạn vay 6 tháng trong thời gian tham gia liên kết”. Theo chính sách này, mức vốn vay không thế chấp 20 triệu đồng và thời gian 6 tháng là thấp, chưa tạo thuận lợi cho nông dân tham gia”, ông Trần Anh Thư phân tích.

Thắt chặt liên kết

Theo các chuyên gia, Đề án tuy mới nhưng mối liên kết sản xuất lại tương tự như mô hình cánh đồng mẫu lớn hay mô hình cánh đồng lớn đã triển khai từ nhiều năm nay-một mô hình từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản ngành lúa gạo Việt Nam cách đây hơn 10 năm.

Phân tích lý do mô hình cánh đồng lớn dần “teo tóp”, ông Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: "Cánh đồng lớn là thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhưng mối liên kết này rất dễ bị phá vỡ. Ví dụ, lúa tới ngày thu hoạch, thay vì doanh nghiệp bao tiêu đúng như cam kết thì lại lùi thời gian thu hoạch 3-4 ngày. Lúc đó, lúa khô ngay trên đồng, người nông dân không đồng ý, dẫn đến phá vỡ hợp đồng, nông dân mất lòng tin. Ngược lại, có trường hợp giá lúa thị trường khi thu hoạch tăng 200-300 đồng/kg, cao hơn giá doanh nghiệp cam kết bao tiêu cho nông dân, khi ấy họ “bẻ kèo” bán ra bên ngoài, dẫn đến mối quan hệ liên kết thất bại. Từ mô hình cánh đồng lớn, chúng ta thấy rằng, nếu mắt xích liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân của Đề án không chặt chẽ thì sẽ sớm rơi vào cảnh “chết yểu”. Do vậy, để thực hiện Đề án thành công cần phải xây dựng mô hình liên kết: Doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm, nông dân sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Để mối liên kết không bị phá vỡ, chính quyền địa phương cũng phải vào cuộc để bảo đảm tính pháp lý cho giao kèo. Đề án cũng cần tính toán xây dựng khung pháp lý cho liên kết tiêu thụ lúa gạo”.

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại Phước Thành IV, việc ký kết hợp tác phải thực hiện với hợp tác xã chứ không thể ký với từng hộ nông dân như các mô hình trước đây. Bởi áp lực thu hoạch lúa ở ĐBSCL là rất lớn, thường chỉ sau 30-60 ngày dứt điểm một mùa vụ. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp liên kết, bao tiêu, cho nên cần đầu tư vào hợp tác xã để những đơn vị này “chia sẻ” khâu sấy, lưu trữ tại địa phương thay vì tất cả đưa về nhà máy như hiện nay. Đây là cách để giữ được vùng nguyên liệu mà doanh nghiệp đã ký kết.

“Để Đề án thành công, các địa phương phải bắt tay thành lập các hợp tác xã, đồng thời phải giảm khâu trung gian, thương lái để hợp tác xã là người thay thế lo chuyện đầu vào vật tư, giống, máy móc, dịch vụ kỹ thuật, thu mua lúa đúng chất lượng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách tạo đột phá cho hợp tác xã, nâng cao năng lực của đội ngũ này. Bởi từ trước đến nay, hợp tác xã thường thua thương lái cả về thực lực, vốn liếng và thông tin thị trường”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.

Mục tiêu sản xuất 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao chỉ là phương tiện, còn mục đích cần phải đạt khi thực hiện Đề án là nâng cao giá trị, thu nhập cho người nông dân, xây dựng được một diện mạo mới cho ngành lúa gạo Việt Nam. Với những phân tích tính khả thi cũng như đề xuất của các chuyên gia về ngành lúa gạo và chính quyền địa phương, tin rằng Đề án sẽ mang lại “cuộc cách mạng” nâng tầm giá trị "hạt ngọc" và nông dân sẽ thực sự làm giàu trên chính cánh đồng, thửa ruộng của mình.

THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-an-hay-can-cach-lam-hieu-qua-723835